Xuất khẩu lâm sản vượt mốc 17 tỷ USD
Theo Cục Lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2024 đạt 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 16,3 tỷ USD, còn lại 1 tỷ USD đến từ lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu của ngành đạt khoảng 14,4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước.
Ảnh minh họa. |
Riêng tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế cả năm, các mặt hàng gỗ chủ lực như ghế khung gỗ (3,1 tỷ USD), đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và dăm gỗ đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội.
Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự tăng trưởng này nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho giảm tại thị trường Mỹ, cùng với các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho gỗ Việt Nam.
Ngoài Hoa Kỳ, các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng tốt, yêu cầu cao về chất lượng, thiết kế và tính bền vững, thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,45 triệu m³ gỗ nguyên liệu với trị giá 1,79 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và 18,6% về trị giá so với năm 2023. Theo Cục Lâm nghiệp, việc tăng nhập khẩu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu từ các thị trường lớn khi lượng tồn kho giảm và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu hồi phục.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết: “Việc cập nhật các xu hướng mới và tuân thủ yêu cầu xuất xứ giúp gỗ Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ.”
Phấn đấu đạt kim ngạch 18 tỷ USD vào năm 2025
Cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng từ 4,5%-5% so với năm 2024. Kế hoạch cụ thể bao gồm:
Trồng rừng tập trung 250.000 ha và cây phân tán 140 triệu cây.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 22,5 triệu m³.
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững là 70.000 ha.
Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục cải thiện công tác quy hoạch, tăng cường ứng dụng công nghệ số và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Hướng đến phát triển bền vững
Năm 2024, ngành lâm nghiệp đã triển khai hiệu quả các chương trình phát triển bền vững, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các hoạt động như chi trả dịch vụ môi trường rừng, tái cơ cấu sản xuất và tập huấn pháp luật được thực hiện đồng bộ, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển ngành lâm nghiệp.
Dù còn những thách thức như hạn chế quỹ đất trồng rừng và yêu cầu đầu tư cao, ngành lâm nghiệp Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, hướng đến phát triển bền vững và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Xuất nhập khẩu Việt Nam tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đánh dấu kỷ lục mới và tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD. Xuất ... |
Xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tấn, kim ngạch 5,7 tỷ USD năm 2024 Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận những con số kỷ lục với 9 triệu tấn và kim ngạch 5,7 tỷ USD, vươn ... |
Cà phê và hạt điều lập kỷ lục xuất khẩu: Lần đầu vượt mốc 5 tỷ USD và 4 tỷ USD Năm 2024, ngành nông sản Việt Nam ghi nhận hai cột mốc lịch sử: xuất khẩu cà phê lần đầu vượt 5 tỷ USD và ... |
Tuệ Nhi