Nhiều thị trường tăng mua, xuất khẩu rau quả 7 tháng ước đạt trên 3,8 tỷ USD Quả bưởi của Việt Nam chính thức được cấp visa vào thị trường Hàn Quốc Xuất khẩu rau, quả ước thu về gần 4,6 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024 |
Doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng
Sau khi sầu riêng đông lạnh được "mở cửa" vào thị trường Trung Quốc, Công ty cổ phần Vinamit đã lên kế hoạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường này ngay năm nay, tập trung vào kênh siêu thị hiện đại.
Nông dân Đắk Lắk thu hái sầu riêng. Ảnh: Báo Đắk Lắk |
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit – cho biết, sầu riêng đông lạnh được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào doanh thu sản phẩm chế biến của công ty. Việc ký nghị định thư vào tháng 8 là điều kiện thuận lợi để Vinamit đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu trong quý IV.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thực phẩm GC (GC Food) cũng đang tận dụng cơ hội này để mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến như thạch dừa và nha đam sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Diệp Pháp - Phó Tổng giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế GC Food - cho biết, đây là thị trường tiềm năng trong năm nay và nếu thuận lợi, hoạt động xuất khẩu sẽ có những bước tiến mới.
Không chỉ dừa tươi, sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, chanh leo của Việt Nam sắp được vào Hoa Kỳ đem lại kỳ vọng mới cho ngành rau quả. Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, hai bên đã đạt được đồng thuận cho phép xuất khẩu chanh leo Việt Nam vào Mỹ. Sau đó, hai bên sẽ thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cơ quan chức năng trong 60 ngày trước khi công bố chính thức.
Trước đó, ngày 30/7/2024, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Như vậy, bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Giám đốc Công ty Vinagreenco - thông tin, việc ký Nghị định thư với Hàn Quốc vào cuối tháng 7 vừa qua đã mở ra cơ hội lớn cho quả bưởi tươi của Việt Nam. Hiện tại doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết để sẵn sàng đưa hàng vào thị trường Hàn Quốc. Do đây là thị trường cao cấp và khó tính nên cần chuẩn bị thật kỹ, chất lượng tốt để sẵn sàng đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường.
Tiếp tục mở cửa thị trường và tăng cường công tác xúc tiến thương mại
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng ngành hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 4,58 tỷ USD.
Quả bưởi của Việt Nam chính thức được cấp visa vào thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Báo NNVN |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhận định, Hàn Quốc là thị trường rất đáng chú ý với Việt Nam trong năm 2024. Tính đến tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt tới 189 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với thị trường Mỹ. Với sự bổ sung mặt hàng bưởi, đà tăng có thể tiếp tục duy trì mức cao. Ước tính, từ Hàn Quốc có thể mang về nguồn thu thêm khoảng 20 triệu USD cho quả bưởi. Tuy nhiên, thị trường này cũng nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên chúng ta cần đảm bảo chất lượng tốt và giá cả phù hợp để tăng tính cạnh tranh.
Việc có thêm phân khúc cấp đông để xuất khẩu sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng chế biến vì giảm được nhiều chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. Phía doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài.
"Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng có thể đạt 3,5 tỷ USD trong năm nay. Với sự gia nhập mặt hàng sầu riêng cấp đông, dự đoán năm nay sẽ là năm kỷ lục mới cho xuất khẩu rau quả chế biến với kim ngạch có thể đạt 1,4 - 1,5 tỷ USD. Đồng thời kỳ vọng xuất khẩu rau quả trong cả năm 2024 này sẽ về đích 7 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Tại thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xúc tiến mở rộng thêm các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được tổ chức nhân dịp kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 29-30/9.
Còn tại thị trường Hoa Kỳ, cùng với chanh leo, Việt Nam cũng đề nghị phía Hoa Kỳ khởi động quy trình xem xét đối với một số loại trái cây mới của Việt Nam như: chanh không hạt, ổi, mít; thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Hoa Kỳ.
Trái cây nhiệt đới Việt Nam đã hiện diện tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu... và ngày càng được ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 180 thị trường với 16 FTA đang được thực thi và 3 FTA đang ký kết. Các thị trường nhập khẩu tại các quốc gia có phân khúc trung bình như ASEAN và các phân khúc thị trường cao cấp như Hàn Quốc, EU có nhu cầu đối với sản phẩm nông sản Việt Nam rất cao. Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, để nông sản nói chung và trái cây nói riêng tận dụng hết tiềm năng, lợi thế tại các thị trường này, đòi hỏi chuẩn hóa vùng nguyên liệu về cả chất lượng, ổn định về số lượng.
Về phía các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.