Tunisia - cửa ngõ để hàng Việt tiến sâu hơn vào châu Phi, Ả Rập Kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Saudi Arabia |
Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Phi tại Hà Nội, chuyên đề “Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam sang thị trường châu Phi - Trung đông” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Nigeria, UAE tổ chức.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã thông tin cơ bản về thị trường châu Phi - Trung đông.
Theo đó, do điều kiện tự nhiên như thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung đông phải nhập khẩu tới 80% hàng hoá lương thực, thực phẩm, tương đương 40 tỷ USD mỗi năm.
Thuỷ sản - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Phi - Trung đông |
Tương tự với châu Phi, mỗi năm các nước thuộc châu lục này phải nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD hàng hoá. Đáng lưu ý, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hàng hoá của thị trường này không quá khắt khe.
Mặt khác, Việt Nam và các nước châu Phi - Trung đông có mối quan hệ ngoại giao khá tốt; mặt hàng xuất nhập khẩu không cạnh tranh, thậm chí bổ sung cho nhau do vậy có nhiều tiềm năng cho thương mại hai bên phát triển.
Từ thực tế thị trường sở tại, ông Nguyễn Duy Hưng - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, cho biết: Nông sản, gồm chè, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, cà phê và thuỷ sản như tôm đông lạnh, cá đã qua chế biến đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ai Cập. Tuy nhiên, những mặt hàng này đang chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng hoá cùng loại đến từ các quốc gia khác.
Ngược lại với Ai Cập, không chỉ giới hạn trong phạm vi mặt hàng nông sản, thuỷ sản, ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE cho hay: Mọi hàng hoá của Việt Nam đều có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này khi đáp ứng được các tiêu chuẩn.
UAE dù chỉ có dân số khoảng 10 triệu người nhưng rất đa dạng nhu cầu và khả năng tiêu dùng. Mặt khác, UAE là trung tâm trung chuyển của khu vực và thế giới, do vậy khả năng tái xuất hàng hoá từ thị trường này rất cao.
Việt Nam hiện vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản sang UAE trong các nước ASEAN. 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE tăng 18%, hạt điều tăng 60%, chè tăng 15,4%, hạt tiêu giảm 40%, gạo tăng 30,9%. “Hầu hết nông sản xuất khẩu vào UAE chưa phải chịu thuế, do đó hàng Việt Nam dù không có lợi thế về khoảng cách địa lý vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường này”, ông Trương Xuân Trung nói.
Hơn nữa, UAE hiện nằm trong khối các nước Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), hàng Việt Nam vào UAE và tái xuất sang các nước GCC khác không phải chịu thuế lần 2 do đó rất thuận lợi cho xuất khẩu.
Tại Hội thảo, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nigeria - Nguyễn Chi Mai cũng nêu rõ sự hấp dẫn cũng như tiềm năng của thị trường Nigeria với hàng hoá Việt Nam. Trong đó, Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi với trên 200 triệu người; thị trường tiêu dùng trẻ nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới; thị trường hàng tiêu dùng tăng tới 150% từ mức ước tính 240 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 603 tỷ USD vào năm 2030.
Dự báo năm 2024 Nigeria sẽ là nước nhập khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới với số lượng khoảng 2,1 triệu tấn.
Mặt khác, việc gỡ bỏ quy định về hạn chế trao đổi ngoại tệ của Nigeria sẽ giúp các nhà nhập khẩu nước này đa dạng nguồn cung ngoại tệ phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch quốc tế. Qua đó, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu hàng hoá nước ngoài từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dù có nhiều tiềm năng để tăng thị phần, tuy nhiên tại Hội thảo các diễn giả đều khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần cẩn trọng trong giao dịch thương mại với đối tác tại châu Phi - Trung đông. Trong đó, rủi ro trong thanh toán là điều cần lưu ý nhất, doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn như L/C để tránh bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, đối tác tại châu Phi - Trung đông có thói quen chậm giờ, doanh nghiệp cần kiên nhẫn trong làm việc và tạo lập quan hệ; không nên hỏi các vấn đề riêng tư liên quan đến gia đình đối tác.
Một số nước GCC áp dụng giấy phép nhập khẩu, cấm nhập khẩu một số mặt hàng đặc biệt như đồ uống có cồn, thịt lợn, biệt dược…; đối tác ưa chuộng tận mắt nhìn thấy sản phẩm nên muốn tiếp xúc trực tiếp kèm theo hàng mẫu…
Với những vấn đề trên, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo: Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần xác minh rõ ràng đối tác trước khi giao dịch, nhất là với khách hàng tìm qua mạng; cảnh giác với thương vụ quá hấp dẫn; đề nghị đối tác thanh toán theo phương thức L/C không huỷ ngang.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chú trọng chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh và tuân thủ các tiêu chuẩn, nhất là với tiêu chuẩn Halal với hàng hoá xuất khẩu.
Hải Linh