Xuất khẩu tăng, doanh nghiệp da giày chưa hết lo

02/04/2024 - 22:05
(Bankviet.com) Quý I/2024, xuất khẩu giày dép thu về 4,85 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên doanh nghiệp da giày trong nước vẫn chưa hết lo.
Xuất khẩu giày dép khởi đầu tích cực Quảng Ngãi: Dệt may, da giày là ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực

Đơn hàng khởi sắc

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 3 đã hồi phục rất mạnh, thu về 1,7 tỷ USD, tăng hơn 600 triệu USD so với tháng trước đó. Con số này đưa tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý đầu năm đạt 4,85 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính cả kim ngạch xuất khẩu túi xách 866 triệu USD (tăng 5,2% so với cùng kỳ), trong quý I/2024, toàn ngành da giày mang về kim ngạch hơn 5,7 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu của ngành da giày bứt tốc trong tháng 3/2024 là bởi đơn hàng tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 - 2,5 tiếng.

Để ngành da giày đủ khả năng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, chính sách hỗ trợ đó cần tập trung ưu đãi cho doanh nghiệp nội.
Xuất khẩu tăng, doanh nghiệp da giày chưa hết lo (Ảnh minh hoạ)

Đơn hàng tăng khiến một số doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động để đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng. Đơn cử, Công ty TNHH Hwaseung Vina, từ đầu năm đến nay đã tuyển được hơn 1.000 lao động và đang tiếp tục tuyển thêm 1.000 lao động phổ thông nữa với mức lương từ 6,7-10 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp đưa ra chính sách hỗ trợ công nhân mới 2 triệu đồng/người, lao động có kinh nghiệm, tay nghề hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng.

Việc các doanh nghiệp da giày “dễ thở” hơn về đơn hàng đã được các chuyên gia nhận định từ đầu năm dựa trên sự phục hồi tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Thậm chí, khách hàng quốc tế đặt hàng may mặc và giày dép từ Việt Nam đã thông báo cho các đơn vị sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Mức tăng trưởng xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý I năm nay là tốt nhưng chưa phản ánh sự hồi phục hoàn toàn của thị trường giày dép thế giới, bởi năm vừa qua ngành da giày bị sụt giảm hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Điển hình là giày dép giảm gần 15%, túi xách giảm 9%, với doanh thu lần lượt 20,37 tỷ USD và 3,76 tỷ USD.

Mặt khác, các thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng da giày của Việt Nam chưa thực sự phục hồi, người tiêu dùng còn “dè dặt” với mặt hàng tiêu dùng và ưu tiên cho nhóm hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp Việt vẫn phải theo dõi sát thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất còn cho biết, khách hàng đặt đơn hàng nhỏ và giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.

Chưa kể, một loạt các quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất…được các nhà nhập khẩu EU đưa ra đang tạo thách thức lớn đối với các mắt xích trong chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao cũng là nỗi lo lớn của doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp da giày nói riêng. Trước xung đột Biển Đỏ, giá cước tàu biển từ Việt Nam sang châu Âu khoảng 2.100 USD/container, hiện đã tăng lên 4.000-5.000 USD/container.

Giá cước tăng đang tác động đến giá thành hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị thấp và ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam. Phạm vi ảnh hưởng lan rộng sang các doanh nghiệp không ký hợp đồng đặt tàu. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không chấp nhận chia sẻ một phần tài chính có thể khiến các nhà mua hủy đơn hàng, thậm chí không duy trì quan hệ thương mại lâu dài.

Có thể thấy, dù kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 có tăng nhưng thách thức đang chờ doanh nghiệp da giày trong quý II/2024 không hề nhẹ nhàng. Theo đó, Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước tích cực tận dụng ưu đãi từ những thị trường Việt Nam có FTA; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường, cùng đó chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU bởi sức mua và dung lượng thị trường lớn.

Về phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao. Trong thời gian tới, ngành không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro từ căng thẳng ở Biển Đỏ, lời khuyên của các chuyên gia thương mại là chú ý tới các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường gần, đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời khai thác tối đa dư địa tại khu vực ASEAN cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tìm kiếm các phương thức vận chuyển mới nhằm giảm thiểu tác động.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương