Xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ ra sao? Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam |
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam
Sau năm 2015 khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 585 triệu USD năm 2015 lên 787 triệu USD năm 2023, tăng 35%.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam |
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng: tôm tăng 37%, mực và bạch tuộc tăng 51%, cá loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và nhuyễn thể khác tăng mạnh 3 con số tuy nhiên những sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm nhẹ.
Trước đó, năm 2012 và 2013, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ghi nhận giá trị thấp hơn năm 2015. Như vậy, sau 10 năm (từ năm 2013 - 2023), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng từ 521 triệu USD lên 787 triệu USD, tăng 51%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp định VKFTA được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế. Hiệp định có tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong đó có thủy sản.
Trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%. Cá các loại khác (trừ cá tra, cá ngừ) với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%.
Còn lại các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ sang Hàn Quốc lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi, Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Việt Nam 22% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Hàn Quốc. Năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt hơn 247 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.
Năm 2023, Hàn Quốc tăng 4% nhập khẩu mực sống/tươi/đông lạnh từ Việt Nam. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…
Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong quý đầu năm 2024 khi lệnh cấm nhập hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.
Dự báo thị trường tăng trưởng khả quan
Năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc giảm do kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm. Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2023 nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với năm 2022.
Trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Peru, Chile, trong khi giảm nhập khẩu từ Nga, Việt Nam, Na Uy, Nhật Bản.
Năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023.
Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây.
Trong khi căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt thì những thị trường gần hơn như Hàn Quốc cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Để có thể “tăng tốc” xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, cũng như chinh phục được người tiêu dùng ở thị trường này, các sản phẩm cần phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; có sự ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng…
Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc vẫn đang vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc, doanh nghiệp đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, mong được quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024. Bởi lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế nhập khẩu bằng 0%), và thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, 14 - 16% giá trị lô hàng. |
Nguyễn Hạnh