Yến sào Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc Gần 700 người ra đảo Yến giỗ tổ ngành nghề yến sào |
Nhiều giải pháp về phát triển bền vững tài nguyên yến sào, nâng cao chất lượng sản phẩm yến sào sau thu hoạch phục vụ công tác xuất khẩu được các các giáo sư, nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về chim yến thảo luận tại Hội thảo “Bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ” do Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức sáng 6/7, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sản phẩm tổ yến chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch
Trình bày tham luận, ông Đỗ Hữu Phương – Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Hiện một số địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Cùng với đó, một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến, sản phẩm từ yến đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng: Sản phẩm từ yến chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.
ThS. Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 200 tấn/năm. Nghề nuôi chim yến theo nghiên cứu khoa học kinh tế là ngành có tiềm năng phát triển phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng hình thành đặc sản quý hiếm và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. "Tổ yến Việt Nam dù đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch là chủ yếu và chiếm thị phần rất khiêm tốn”, bà Vân cho hay.
Yến sào của Việt Nam được thị trường xuất khẩu đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: N.L |
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, hiện hai nguồn cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc chủ yếu là Indonesia và Malaysia. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Đây chính là cơ hội cho ngành yến của Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu.
“Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới, mang lại giá trị kinh tế cao, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản xuất yến sào xuất khẩu các sản phẩm yến sào sau chế biến đến thị trường tiềm năng, đông dân nhất thế giới này”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa Trịnh Thị Hồng Vân cho biết.
ThS. Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa |
Nâng cao chất lượng sản phẩm yến sào “chinh phục” thị trường khó tính
PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn – Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Chim yến được chính thức công nhận là động vật trong chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi năm 2018. Ngày 9/11/2022, sau 4 năm nỗ lực trao đổi, đàm phán, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí và chính thức có hiệu lực Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú ý đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Gần đây nhất, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. “Điều này cho thấy nghề khai thác tổ yến, nuôi yến, chế biến và xuất khẩu tổ yến, bảo tồn đàn chim yến đã được Chính phủ hết sức quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, phát triển bền vững quần thể chim yến đảo là cơ sở để phát triển bền vững nguồn lợi tổ yến có chất lượng và giá trị kinh tế cao khai thác hàng năm ở các hang đảo yến trên cả nước trong đó tập trung ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Khai thác bền vững cần tính toán để vừa đảm bảo nhu cầu hiện tại mà không làm cho nguồn lợi quý từ thiên nhiên này không bị suy giảm trong tương lai.
Trong đó, phát triển các sản phẩm từ tổ yến, nâng cao giá trị tổ yến và tăng cường xuất khẩu tổ yến chính ngạch. “Các sản phẩm tổ yến đảo thiên nhiên luôn có giá trị cao trên thị trường và thường được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Từ nguồn nguyên liệu tổ yến đảo có chất lượng cao cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng từ tổ yến đảo có giá trị cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước”, ông Sơn gợi mở.
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm từ tổ yến, nâng cao giá trị tổ yến. Ảnh: Yến sào Khánh Hòa |
Theo ông Đỗ Hữu Phương – Đại diện Cục Chăn nuôi kiến nghị, cần tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong ngành yến, quản lý theo mã định danh của nhà yến uy tín bằng phần mềm chuyên dụng, hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác. Trong đó, cần sớm ban hành hướng dẫn cấp mã số cơ sở nuôi yến để thực hiện việc đăng ký xuất khẩu tổ yến.
ThS. Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho rằng: Các doanh nghiệp trong ngành yến sào cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Yến sào Việt Nam, xây dựng thương hiệu “Yến sào Việt Nam” để đảm bảo tiêu chuẩn, uy tín thương hiệu sản phẩm quốc gia Việt Nam trên thị trường thế giới. Ứng dụng công công nghệ hiện đại kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, để công tác xuất khẩu sản phẩm yến sào đáp ứng được các yêu cầu, tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm yến sào sau thu hoạch tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu để phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến, thực hiện nghiên cứu, chế biến các dòng sản phẩm yến sào sau thu hoạch đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng các nước nhập khẩu sản phẩm.
“Để sản phẩm yến sào Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở cần chủ động tìm hiểu, tuân thủ đúng và đầy đủ các yêu cầu, điều kiện của Trung Quốc nêu trong Nghị định thư về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định”, bà Vân chia sẻ thêm.
Đức Thảo