Xuất khẩu tôm: Nhiều kỳ vọng từ thị trường tỷ dân

29/12/2023 - 00:33
(Bankviet.com) Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và châu Âu. Do đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sẽ phục hồi vào tháng 12 Xuất khẩu tôm vào Australia: Gia tăng các sản phẩm chế biến sâu Xuất khẩu tôm năm 2023 giảm 21% so với 2022

Thị trường tiềm năng

Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính hết tháng 11/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm nhu cầu của thị trường Trung Quốc không ổn định.

Theo đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt.

Xuất khẩu tôm: Nhiều kỳ vọng từ thị trường tỷ dân
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp, nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.

“Mặc dù, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông năm 2023 giảm so với năm 2022 (năm mà kim ngạch xuất khẩu tôm đạt kỷ lục) nhưng vẫn tăng so với các năm trước đó”, bà Kim Thu chia sẻ.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, năm 2023 ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm.

Gia tăng các sản phẩm chế biến sâu

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Hiện nguồn cung tôm từ Ecuador đã và đang chững lại và có xu hướng giảm nhẹ. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 – 15% vào năm 2024.

Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây. Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể.

Bên cạnh đó, mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách hơn 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đã phê duyệt mã sản phẩm cho 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở đóng gói tôm sú, 128 loại sản phẩm, 48 loài thủy sản của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho rằng, để tận dụng được các lợi thế, doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, sản phẩm giá trị gia tăng, linh động hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán phù hợp. Đồng thời, cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương và địa phương. Trước mắt cần tận dụng lợi thế địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, nhất là tôm sú.

Cùng với đó, tăng cường hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp hai nước, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương