Xuất khẩu tuần từ 19-26/2: Mặt hàng chủ lực mang về hàng tỷ USD mỗi năm, thuỷ sản đón tin vui Xuất khẩu tuần 25/2-3/3: Xuất khẩu dệt may tăng trưởng hơn nửa tỷ đô |
Thêm 27 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Theo đó, hiện Việt Nam có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc; trong đó có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép.
708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép vào Trung Quốc |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng.
Theo đó, 27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5 ha, sản lượng 14.030 tấn. Tổng số mã vùng trồng cây sầu riêng của tỉnh được nâng lên 65 mã số với diện tích 2.412 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện nay tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn là 5.300 ha, sản lượng 14.800 tấn. Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn gồm huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh; trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%; Ri6 31%; Chín Hóa 5%; giống khác 4,3%.
Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ 6 tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu, nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.
11 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số thể hiện những tín hiệu tích cực của thị trường, nhưng đồng thời cũng thể hiện nhiều thách thức cho ngành xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD |
Trong hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023. Điều đáng nói, cán cân thương mại hàng hóa có sự chênh lệch lớn so với cùng kỳ, xuất siêu đạt hơn 4,7 tỷ USD.
Cụ thể, tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ.
Theo các chuyên gia, xuất siêu tăng trưởng cao một phần nhờ các nước nhập khẩu gia tăng nhập hàng hóa Việt Nam trong hai tháng qua, giúp kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng hơn 19%.
Trong đó 11 mặt hàng của Việt Nam ghi nhận xuất khẩu trên 1 tỷ USD, riêng 4 nhóm chủ lực của chúng ta là điện tử - máy tính - điện thoại và linh kiện - máy móc thiết bị và dệt may thu trên 5 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả có thể đạt mốc 6,5 tỷ USD
Tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh tới hơn 70%, đạt giá trị 970 triệu USD với các mặt hàng chủ lực như: Dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng. Trong đó, sầu riêng vẫn là mặt hàng chiếm ưu thế, đặc biệt bứt phá sau khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Kết quả này đang tạo ra những kỳ vọng cho mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay.
Xuất khẩu rau quả có thể đạt mốc 6,5 tỷ USD |
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, sản lượng sầu riêng của Việt Nam mỗi năm tăng 15-20%. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD. Nếu số lượng mã số vùng trồng nhiều hơn và thêm Nghị định thư của sầu riêng cấp đông thì kim ngạch sầu riêng có thể đạt từ 3-3,5 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 65% thị phần.
Xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng trưởng mạnh mẽ đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho ngành rau quả. Đặc biệt, 4 sản phẩm sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt từ 6,5 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu 2024 vượt mức 1,3 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 2/2024 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 1,31 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu 2024 vượt mức 1,3 tỷ USD |
Theo VASEP, sau khi sụt giảm liên tục từ quý 4/2022, xuất khẩu từ quý 4/2023 có chiều hướng tích cực hơn và đột phá mạnh mẽ vào tháng 1/2024 khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á.
Tính tới hết tháng 2, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 459 triệu USD và 148 triệu USD. Trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15%, đạt 274 triệu USD và cá các loại khác tăng 8%, đạt 275 triệu USD.
Mực, bạch tuộc giảm 1%, đạt 88 triệu USD. Đáng chú ý, mặt hàng nhuyễn thể khác ghi nhận tăng tới 147%, lên mức 1,5 triệu USD.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2023.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD |
Tính riêng tháng 2, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 950 triệu USD, giảm 35,3% so với tháng 1/2024, nhưng tăng 8% so với tháng 2/2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 582 triệu USD, giảm 43,3% so với tháng 1/2024, nhưng tăng 3,9% so với tháng 2/2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước là do hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn bởi tuần nghỉ Tết Nguyên đán.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động xuất khẩu gỗ cải thiện từ những tháng cuối năm 2023, đến tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực, xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng đáng kể.
Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là đồ nội thất bằng gỗ đạt 925 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 12/2023 và tăng 108,9% so với tháng 1/2023. Các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng trưởng cao so với tháng 1/2023.
Ngoài đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tăng trưởng nhanh, trong tháng 1/2024 các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khác cũng tăng đáng kể như: Dăm gỗ đạt 217,5 triệu USD, tăng 21,7% so với tháng 1/2023; tiếp theo là gỗ, ván và ván sàn đạt 196,6 triệu USD, tăng 113,6%; viên gỗ nén đạt 73,5 triệu USD, tăng 24,1%...
Ngọc Ngân