Xuất khẩu xoài, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

02/05/2023 - 17:02
(Bankviet.com) Dư địa mở rộng xuất khẩu xoài Việt còn rất lớn. Tuy nhiên, tuân thủ yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, quảng bá sản phẩm là việc doanh nghiệp cần phải làm.
Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc Xuất khẩu xoài: Cách nào để gia tăng thị phần?

Xoài Việt đã có mặt tại 40 nước

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới. Xoài Việt Nam đã được xuất khẩu đến 40 nước, trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 84,6%; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài thế giới.

Xuất khẩu xoài của Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài thế giới
Xuất khẩu xoài của Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài thế giới

Với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và quả xoài nói riêng cũng như tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế là điều cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các thị trường xuất khẩu.

Ông Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Đối với trái xoài xuất khẩu vào các nước trong WTO, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) và Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật - IPPC.

Yêu cầu cơ bản đối với mặt hàng quả tươi là phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp và lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Một số thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu cơ bản trên gồm: Các nước khu vực Trung Đông, các nước Đông Âu, các nước ASEAN và Canada.

Theo ông Lương Ngọc Quang, để đáp ứng được quy định do các nhà nhập khẩu đưa ra, trước tiên các vườn trồng hay cơ sở đóng gói có nhu cầu cần đăng ký mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói. Việc đăng ký mã số vùng trồng hay mã số cơ sở đóng gói trên cơ sở tự nguyện, từ đó Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá, là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số và phải được công nhận bởi nước nhập khẩu.

“Yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc. Riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện đã có gần 300 số mã vùng trồng được cấp để xuất khẩu”, ông Lương Ngọc Quang chia sẻ.

Với thị trường Trung Quốc, bà Lương Thị Hải Yến - Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, hiện nay phía nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với tiêu chuẩn HACCP. Yêu cầu này các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng ngay lập tức.

Đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường nhập khẩu

Ở phân khúc thị trường khó tính nhất thế giới, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu – chia sẻ, thị trường EU rất tiềm năng. Năm 2022, họ chi 35 tỉ USD để nhập trái cây, trong đó nhập khẩu 500.000 - 600.000 tấn xoài. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu chính của EU là châu Phi và Nam Mỹ. Xoài của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Dù có lợi thế về thuế, tuy nhiên, xoài Việt Nam chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường đại trà của họ vì khoảng cách xa (thời gian vận chuyển lâu, chi phí cao), thời gian bảo quản không được dài. Giá vận chuyển qua đường hàng không rất cao nên khả năng vận chuyển số lượng lớn là rất khó.

Bên cạnh đó, về mặt kiểm dịch thì châu Âu đặt tiêu chí an toàn thực phẩm và ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, thị trường này còn có yêu cầu về chứng nhận an toàn, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội rất khác so với trước đây.

Trái xoài Việt Nam tại thị trường EU rất tiềm năng, trong đó Hà Lan là thị trường nhập nhiều nhất. Ông Trần Văn Công khuyến nghị, doanh nghiệp nên ưu tiên phát triển xoài phân khúc cao, phục vụ cho nhóm cộng đồng người Á ở châu Âu. Đồng thời, cần phải chú trọng đến việc giới thiệu quảng bá về trái xoài Việt Nam là như thế nào. Hiện tôi chưa thấy dòng thông tin nào về trái xoài Việt Nam ở thị trường châu Âu.

Năm 2015, Nhật Bản cho phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam. Sau nhiều năm xuất khẩu, đến nay nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đã biết đến xoài Cát Chu của Việt Nam. Đây là loại xoài thơm, vỏ từ xanh sang vàng, hình dáng giống như giọt lệ và có độ đường cao, được người Nhật Bản thích ăn.

Tuy nhiên, thị phần xoài Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn ở mức khiêm tốn. Xoài Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản giá 370 yen/kg (hơn 600.000 đồng/kg), chỉ bằng một nửa so với xoài Thái Lan là 765 yen/kg.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - nhận định, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu xoài tươi sang Nhật Bản khi thị trường này chỉ chấp nhận nhập khẩu giống xoài Cát Chu và có thể mở rộng thị phần nếu tương lai Việt Nam có thể đàm phán để mở rộng xuất khẩu thêm các giống xoài khác. Trong đó, loại xoài E2R2 - xoài giống Úc rất phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Nhật Bản.

Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Tạ Đức Minh cho hay, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn mong muốn có sự ổn định về giá cả, nguồn cung từ các đối tác xuất khẩu Việt Nam. Đây cũng là thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao đối với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo trái cây phải tươi ngon, giữ được chất lượng, thương hiệu và giữ được thị trường.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương