Longform | Xuất nhập khẩu năm 2022 tiếp tục đạt kỷ lục mới Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức cán mốc 732 tỷ USD Cao Bằng: Các cửa khẩu sẵn sàng phương án xuất nhập khẩu hàng hoá |
Nông sản hưởng lợi
Ngay trong những ngày đầu năm mới, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đã tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng sang thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ… Đây là những mặt hàng gần như chỉ xuất khẩu bằng đường bộ, mà trong giai đoạn Trung Quốc kiểm soát dịch 'Zero COVID' thì cửa khẩu ách tắc, hàng không xuất được. Do vậy khi họ mở cửa giao thương, thông quan các mặt hàng này thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường 1,4 tỷ dân bị kìm nén gần 3 năm qua, nay họ mở lại nhà hàng thì nhu cầu thủy sản tươi sống sẽ tăng mạnh.
Xuất khẩu nông sản hưởng lợi từ việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid |
Cùng với các mặt hàng thủy sản tươi sống, rau quả và trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu tương đối khả quan khi nhu cầu gia tăng vào dịp đầu năm mới. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này.
Sức bật của các nhóm hàng nông sản đã đóng góp tích cực cho thành tích chung của hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên do tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 01/2022 nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạchxuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một giảm 21,3%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%. Trong tháng 1 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%; hàng thủy sản ước đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Trong tháng 01/2023, có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, đạt 19,97 tỷ USD, chiếm 93%. Trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Tháng 01/2023 xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.
Với kết quả xuất nhập khẩu như vậy, tháng 01/2023, cả nước ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Năm 2023, phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 6%
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Đáng chú ý, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, tại Dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 do Bộ Công Thương soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ, đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Trong đó, đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng. Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường phát thải các bon thấp và lao động.
Lan Phương