Xuất nhập khẩu năm 2023 chính thức cán mốc 683 tỷ USD

29/12/2023 - 17:02
(Bankviet.com) Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 chính thức cán mốc 683 tỷ USD.
Vượt kỷ lục về kim ngạch, xuất nhập khẩu tự tin bước vào năm 2023 Xuất nhập khẩu năm 2023: Ghi nhận nhiều điểm sáng

Xuất nhập khẩu vẫn có nhiều điểm sáng

Cụ thể, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,54 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 32,91 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 30,63 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Trong quý IV/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,3% so với quý III năm 2023.

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước. Trong năm 2023, có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).

Dù không đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Đơn cử, về các mặt hàng, nông sản được đánh giá là nhóm ngành hàng có nhiều điểm sáng.

Xuất nhập khẩu năm 2023 chính thức cán mốc 683 tỷ USD
Xuất khẩu điều có nhiều điểm sáng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt xấp xỉ 64,15 nghìn tấn, trị giá 352,6 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với tháng 10/2023, tuy nhiên so với tháng 11/2022 tăng 32,8% về lượng và tăng 28,7% về trị giá.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt trên 581 nghìn tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả trên, ngành điều Việt Nam đã vượt kế hoạch đề ra cho năm 2023 là 3,05 tỷ USD và gần tiến gần hơn tới mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển đặt ra cho ngành điều là 3,8 tỷ USD.

Rau quả cũng là điểm sáng trên bức tranh xuất nhập khẩu hàng hoá với con số ước xuất khẩu của năm 2023 là 5,6 tỷ USD. Kết quả này đã vượt xa mục tiêu đề ra cho toàn ngành là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, năm 2025 là 5 tỷ USD.

Thông tin về kết quả này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, có đóng góp rất quan trọng của mặt hàng sầu riêng. Từ tháng 7/2022, khi Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã liên tục tăng cao. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.

Hoặc đối với ngành dệt may, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành đã thực hiện 3 giải pháp căn cơ. Đó là, liên kết chuỗi; đa dạng hoá thị trường, khách hàng, mặt hàng; thực hiện phát triển bền vững, xanh hoá, chuyển đổi số, quản trị số.

Vì thế, ngành dệt may cơ bản có sự thành công nhất định, đạt kim ngạch xuất khẩu 40,3 tỷ USD năm 2023. Năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.

Kết quả này có được là do trong quý IV/2023, các doanh nghiệp dệt may dần có đơn hàng trở lại, một số doanh nghiệp bắt đầu tiếp nhận những đơn hàng lớn khi thị trường dệt may “ấm” hơn do nhu cầu gia tăng nhằm phục vụ Lễ Giáng sinh và Tết năm 2024.

Phấn đấu cho mục tiêu năm 2024

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.

Xuất nhập khẩu năm 2023 chính thức cán mốc 683 tỷ USD
Xuất nhập khẩu kỳ vọng cho mục tiêu mới năm 2024

Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của ta trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu đặt ra cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương