Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn "gieo chữ" nơi vùng cao Chiềng Công

20/11/2023 - 14:10
(Bankviet.com) Dù điều kiện thiếu thốn, khó khăn, các thầy cô ở Chiềng Công (Mường La, Sơn La) vẫn cần mẫn lên lớp “gieo chữ” cho bao thế hệ học trò nơi vùng cao Tây Bắc.
Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La 2023 với chủ đề “Arabica Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc” Người thầy giáo đặc biệt gieo chữ trên khu vực lòng hồ Trị An
Những lời chúc song ngữ đơn giản, ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Qua sông, vượt núi tới trường

Những ngày giữa tháng 11, phóng viên có mặt tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công (xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) nơi có hơn 800 em học sinh dân tộc Mông và La Ha theo học.

Để đến được đây, phóng viên phải đi phà qua con sông Đà hung dữ, vượt con đường dốc ngược, lởm chởm đá tai mèo chừng 10 km từ trung tâm huyện Mường La. Nhìn một bên núi, một bên là vực thẳm, đường đi khúc khuỷu, cheo leo mới thấu hiểu sự vất vả mà các thầy cô phải trải qua để “cõng chữ lên non”.

Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn
Cô Lò Thị Tươi giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công

Cô Lò Thị Tươi - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công kể: “Khó khăn lớn nhất ngoài đường xá cách trở, điều kiện vật chất thiếu thốn là sự bất đồng ngôn ngữ, gây khó trong giao tiếp và truyền đạt kiến thức cho học sinh vùng cao”.

Theo cô Tươi, ngoài điểm trường trung tâm xã, có 15 điểm trường ở 17 bản, đi lại rất khó khăn vì toàn đường rừng, trơ đầy đầy sỏi đá. Những hôm trời mưa gió vô cùng trơn trượt nên các thầy cô “cắm bản” thường xuyên phải đối diện sự hiểm nguy rình rập.

Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn
Cô Lò Thị Xuân ngày ngày cần mẫn gieo chữ cho bao thế hệ học trò vùng cao Sơn La

Còn cô Lò Thị Xuân, (phụ trách điểm trường Kéo Hỏm - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công) tâm sự: “Khoảng cách giữa các điểm trường rất xa nhau, điểm trường gần như Kéo Hỏm cũng cách 5 km, như Hán Cá Thệnh thì tới hơn 30 km. Ở đây, cô giáo vừa là thầy, là bạn, là mẹ kiêm bác sĩ của học sinh, phụ huynh ít khi quan tâm tới việc học con trẻ”.

Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn
Yêu nghề, thương trẻ, các thầy cô giáo mới đủ dũng cảm, nhiệt huyết tình nguyện lên vùng cao Sơn La giảng dạy

Cô Tâm bộc bạch, các thầy cô phải thường xuyên vận động phụ huynh cho con em đến trường, có trường hợp khi đến nhà học sinh tuyên truyền còn bị phụ huynh dọa chém. Để học trò đến lớp, thầy cô tự bỏ tiền cá nhân mua sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, bánh kẹo… phát cho các em lấy động lực, tích cực đến lớp học.

Em Vàng A Lử, học sinh lớp 6A kể bập bẹ bằng tiếng Việt: “Nhà em ở bản Vi Lay, hàng ngày em đi bộ đến trường, em rất thích đến lớp vì được học chữ, ăn cơm có thịt, có bánh kẹo… Em ước mơ trở thành thầy giáo để sau này có thể dạy chữ cho trẻ em thôn bản của mình”.

Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn
Cứ vào sớm đầu tuần thứ 2, các thầy cô giáo cắm bản phải đi phà, vượt con sông Đà hung dữ để lên lớp giảng dạy cho học trò vùng cao

Thương trò, mến trẻ… để bám lớp

Cô Lê Thị Nga (26 tuổi, giáo viên nhà trường) chia sẻ: “Có lẽ ám ảnh nhất là quãng đường đi lại giữa các điểm trường, toàn dốc đá tai mèo, cheo leo, tưởng chừng ngã bất kì lúc nào. Nhiều hôm mưa bão, đường xá bị chia cắt, phải ngủ lại bản cả tháng là chuyện bình thường".

Do chưa quen nguồn nước, thời tiết lạnh nên nhiều thầy cô mới về giảng dạy tại trường bị ốm cả tuần. Hàng ngày, các thầy cô phải dậy từ lúc 5 - 6h sáng để chuẩn bị lên lớp. Ở nơi vùng cao heo hút này, nỗi nhớ nhà luôn túc trực, cũng bởi “yêu nghề, mến trẻ” mới đủ dũng cảm, tình nguyện lên đây công tác.

Dẫu còn nhiều khó khăn như vậy, các thầy cô luôn động viên nhau cố gắng vượt qua, khắc phục. Nhất là những người đi trước như cô Tâm (Hiệu trưởng nhà trường) dù đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết cống hiến, là tấm gương cho các giáo viên trẻ học hỏi, bám trường bám lớp, giảng dạy kiến thức cho học sinh vùng cao nơi đây.

Xúc động hình ảnh thầy cô bám bản cần mẫn
Con đường rừng trơn trượt, lầy lội, trơ đầy sỏi đá mà các thầy cô giáo trường Tiểu học Chiềng Công phải vượt qua để đến các điểm trường cắm bản

Cô Đặng Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú và Tiểu học Chiềng Công cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 841 học sinh, trong đó có 426 em trong chế độ bán trú. Cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo, đáp ứng công tác dạy và học dẫu còn nhiều khó khăn.

Cô Tâm trải lòng, là giáo viên vùng cao thì có muôn vàn nỗi trăn trở nên rất mong muốn các cấp chính quyền, các “mạnh thường quân”, cơ quan đơn vị… quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh vùng cao xã Chiềng Công. Nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường như Kéo Hỏm, Hán Cá Thệnh. Đặc biệt, tài trợ thêm sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… để học sinh nghèo vùng cao có động lực, vững bước tới trường.

Dần Thanh

Theo: Báo Công Thương