"Xuống tiền" cổ phiếu nhóm ngành nào nửa cuối năm 2022?

20/09/2022 - 23:12
(Bankviet.com) Các chuyên gia cho rằng, cơ hội lúc này sẽ hướng vào những cổ phiếu, ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước; cổ phiếu, ngành chưa được thị trường chú ý thời gian qua và mức giá chưa tăng tương xứng…

Chốt phiên đầu tuần (19/9), VN-Index bị đẩy về sát mốc 1.200 điểm khi nhà đầu tư bán tháo quyết liệt cùng tâm lý đứng ngoài quan sát. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 16/9, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.234,03 điểm, ghi nhận tuần điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Như vậy, trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9, VN-Index đã giảm gần 50 điểm. Nếu tính cả phiên ngày 19/9, VN-Index đã “bay” gần 80 điểm từ đầu tháng 9 đến nay.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu “tụt áp” sau khi phục hồi khá tích cực trong tháng 8. Theo thống kê, giá trị khớp lệnh trên HoSE bình quân phiên trong 2 tuần đầu tháng 9 đã giảm 10% so với tháng trước, xuống dưới 12.700 tỷ đồng. Thậm chí, trong tuần từ 12-16/9, giá trị khớp lệnh một số phiên còn giảm xuống quanh 10.000 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

Dữ liệu của một số công ty chứng khoán cho thấy, tính đến cuối quý II/2022, vẫn còn khoảng 70.000 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư. Nếu so với thanh khoản thị trường thời gian gần đây, mỗi ngày giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thì lượng tiền vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và chưa giải ngân là số tiền rất lớn, lượng tiền này được cho là đang chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường.

Đến đây, một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là những nhóm ngành nào sẽ được kỳ vọng trong thời gian tới?

Nhiều chuyên gia cho rằng, một vài nhóm doanh nghiệp được nhận định có triển vọng tăng trưởng khả quan trong quý III. Đầu tiên phải kể tới nhóm cổ phiếu điện với mức độ phòng vệ lạm phát khá tốt, ít bị phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế trong khi sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu hồi phục sau dịch là những thông tin quan trọng để đầu tư vào nhóm này trong quý III. Chưa kể các thông tin về chính sáchquy hoạch điện cũng là những yếu tố cần chú ý khi đầu tư vào nhóm điện trong thời gian tới.

Thứ hai là nhóm ngành xây dựng dù vẫn có khó khăn, trở ngại do chi phí nguyên liệu tăng chóng mặt, nhưng vẫn là tăng trưởng tốt nếu so sánh trên nền lợi nhuận thấp cùng kỳ do phải đóng băng hoạt động, khi tiến độ thi công quý III/2021 bị đình trệ. Ngoại trừ nhóm thi công điện gió (do thời hạn hưởng giá ưu đãi FIT là 31/10/2021, nên các doanh nghiệp thi công điện gió phải đẩy nhanh tiến độ dự án).

Thứ ba, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như thủy sản, dệt may dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao trong quý III do nhu cầu vẫn ở mức cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các thị trường chính.

Đồng thời, việc Trung Quốc quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đông lạnh kỳ vọng sẽ giúp các lô hàng cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm.

“Xuất khẩu cá tra trong quý III có thể chậm lại so với quý II trước khi phục hồi vào quý IV, nhưng vẫn duy trì được đà tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Thứ tư, nhóm hàng không là một trong những ngành hưởng lợi từ mùa cao điểm của các hoạt động du lịch sau giai đoạn gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh doanh nghiệp hàng không, bán buôn - bán lẻ, đặc biệt là nhóm bán lẻ không thiết yếu như trang sức, đồ điện tử… do giãn cách xã hội khiến phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa, tạo ra mức nền thấp về lợi nhuận trong năm 2021 cũng là ngành được kỳ vọng.

“Nhóm bán lẻ không thiết yếu với kết quả kinh doanh quý III/2021 hầu như ở mức thấp do phải đóng bớt cửa hàng vì dịch Covid-19 sẽ có sự bứt phá mạnh trong năm nay khi các nhà bán lẻ đang tích cực gia tăng số lượng các sản phẩm mới”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco lưu ý.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán