“Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”
Theo từ điển Việt Nam, “tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình, với sức lực của bản thân, không nhờ cậy ai. “Tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người. “Tự cường” chính là sự nâng cao của “tự lực” ở mức độ cao hơn.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tâm năm 1945 đến từ sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng cũng như sự sáng tạo, tài tình trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Đảng ta.
Ngay khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng được triệu tập tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì.
Toàn bộ nội dung Hội nghị được Tổng Bí thư Trường Chinh phản ánh một cách cô đọng, chính xác trong bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho ban hành rộng rãi bản Chỉ thị lịch sử nói trên.
Bản Chỉ thị đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy vũ trang, du kích… Bản Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện.
Bản Chỉ thị nêu trường hợp thuận lợi cho tổng khởi nghĩa như khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật. Bản Chỉ thị dự kiến trong trường hợp đó, quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh để phía sau tương đối sơ hở, lúc đó ta có thể phát động tổng khởi nghĩa. Nhưng Bản Chỉ thị cũng nêu ra một thời cơ khác là nếu cách mạng Nhật bùng nổ, và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi.
Ngay trong đêm 13/8/1945, nắm chắc quân đội Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh vì Liên Xô đã tham gia tấn công Nhật, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh chỉ rõ quân Nhật đã tan rã trên khắp mặt trận chính là cơ hội cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc: “Kẻ thù chính của chúng ta đã bị ngã gục. Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh. Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền Độc lập của nước nhà!”[1].
Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan, Hội nghị nhận định cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới và quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam tước khí giới quân đội Nhật.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Cũng trong ngày này, Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, các đại biểu khẩn trương trở về các địa phương, mang theo chủ trương của Đảng, kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ ngày 16 đến 17/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”[2].
Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”[3].
Với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát diễn biến Cách mạng Tháng Tám: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Tuyên ngôn Độc lập cũng nêu rõ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề tự lực, tự cường. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ Chính phủ trong dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, ngày 10/6/1948, Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”[4]. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chiến tranh du kích, ngày 13/7/1952, Người rút ra kết luận: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[5].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực, tự cường cả trong việc xây dựng nước nhà. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người yêu cầu: “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”[6].
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”[7].
Thực tế đã chứng minh, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” và lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ - ngụy. Căn cứ đặc điểm tình hình đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam: Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trong đó, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam.
Khi Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khẳng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”[8]. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Tiếp đó, thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã bảo vệ và củng cố vững chắc những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiếp đó, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.
Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh trong bài tham luận hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2000) rằng: “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước”[9].
Phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hiện nay, theo số liệu thống kê năm 2023, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2023, nước ta đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.
Việt Nam hiện đang trong danh sách 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Đến nay, hạt gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước/vùng lãnh thổ. Năm 2019 và 2023, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”.
Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726, thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao của thế giới.
Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023.
Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017 và 2023-2027...
Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 421
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 526
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 553
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 445
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 27-28
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 310
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 509-510
[9] “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Hội thảo quốc tế, Hà Nội, 2000, tr. 3-4
Nguyễn Văn Toàn