Yếu tố nào tác động đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh?

25/06/2024 - 21:25
(Bankviet.com) Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm này gây bất ngờ khi nguồn cung lớn nhất thế giới là Brazil đang vào vụ thu hoạch.
Giá cà phê xuất khẩu tăng vọt, Robusta hướng tới đỉnh lịch sử? Thiếu hụt nguồn cung, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm Lo ngại triển vọng nguồn cung Robusta từ Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu sẽ tăng trở lại

Kết thúc phiên gioa dịch gần nhất, giá cà phê Arabica tăng mạnh 5% lên 5.208,41 USD/tấn, là mức cao nhất trong 2 tháng. Giá cà phê Robusta cũng tăng 3,6% lên 4.252 USD/tấn, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất 3 tuần.

Theo nguồn tin từ Reuters, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 có thể giảm tới 16% so với vụ hiện tại do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Như vậy, sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

Trong khi đó, khó khăn vụ hiện tại vẫn đang hiện diện khi lượng xuất khẩu giảm dần do tình trạng khan cà phê xảy ra sớm. Theo chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình 4 yếu tố đẩy giá cà phê đồng loạt tăng.

Thứ nhất, sàn Arabica được hỗ trợ bởi thông tin nhiều vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil đang thiếu mưa. Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia đưa tin hôm thứ Hai khu vực bang Minas Gerais của Brazil đã không có mưa trong tuần thứ ba tính đến tuần trước.

Thứ hai, tỷ giá USD/BRL giảm sâu từ mức đỉnh 1 năm rưỡi gây tâm lý lo ngại nông dân Brazil sẽ hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn. Điều này có thể làm thu hẹp nguồn cung trên thị trường trong bối cảnh tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cảng xuất khẩu cà phê của nước này. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tính đến 24/6, Brazil mới cấp phép xuất khẩu cho 2,65 triệu bao cà phê, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ tháng trước.

Đâu là nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh?
Lo ngại gián đoạn nguồn cung cà phê tại Việt Nam và Brazil, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh

Bên cạnh đó, hợp đồng mua khống trên 2 sàn đã giảm đi nhiều. Và cuối cùng là tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất ngay trong tháng này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt gần 900.000 tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, giảm hơn 8% về lượng nhưng tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước tới nay.

Hiện ở các vùng trồng cà phê lớn của Việt Nam đang chịu hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng tới năng suất của loại cây trồng này. Sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, đặt áp lực lên nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.

Tại Brazil, lo ngại sương giá xuất hiện vào đầu tháng 7 tại vùng trồng cà phê chính của nước này cũng là một trong những tâm điểm của thị trường. Trong 10 ngày tới, một đợt không khí lạnh dự kiến sẽ tấn công vào khu vực cà phê đang thu hoạch tại phía Nam và Đông Nam. Nhiệt độ giảm sâu kết hợp cùng độ ẩm trong không khí làm gia tăng cảnh báo sương giá xuất hiện.

Giá cà phê Robusta cũng được củng cố lại sau khi có nhận định về sản lượng của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đi ngược lại với báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ một ngày trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) chỉ ra rằng sự kết hợp của hạn hán, nắng nóng và sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ ​​sẽ làm giảm sản lượng vụ Robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15% đến 20%.

Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê Robusta cho vụ 2023/2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024/2025 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,40 đến 22,70 triệu bao. Con số này thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra vào tuần trước là 27,85 triệu bao.

Kịch bản sản lượng thấp hơn này được phản ánh một cách tự nhiên qua giá cà phê Robusta ở London và thái độ của người trồng cà phê Việt Nam, những người nắm lượng Robusta hàng đầu này đã vắng mặt trên thị trường.

Bất chấp tiến độ thu hoạch tốt ở Brazil, do khí hậu khô hạn, nguồn cung cà phê vẫn dưới mức mong đợi, khiến người trồng vẫn ở thế phòng thủ. Hơn nữa, các chỉ số về sản xuất conillon của Brazil cũng đáng thất vọng, không như mong đợi. Cả giá USD cao và giá quốc tế đều ủng hộ cho kết quả này. Mùa Đông đã chính thức đến với Brazil, cũng là một yếu tố giải thích cho quan điểm dè dặt của người bán.

Giá cà phê đang tăng bất chấp sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu toàn cầu với thông tin từ ICO trước đây cho rằng thế giới đã xuất khẩu thêm 11% cà phê trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024, đạt tổng cộng 80,99 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Arabica tăng gần 13%, chủ yếu hàng hóa được xuất khẩu từ Brazil.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương