Bất ổn địa chính trị, rủi ro lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu cân bằng thế nào với đà phục hồi hậu COVID-19? Đây là câu hỏi đang đặt ra với các nhà giao dịch chứng khoán - kênh đầu tư gắn liền với các dịch chuyển trong và ngoài nước. Để đánh giá các yếu tố tác động này, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố một báo cáo chi tiết.
Báo cáo phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy được đà phục hồi tích cực trong bối cảnh lạm phát gia tăng, siết chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Các biến động trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thu hút đầu tư trong xu thế toàn cầu hóa kiểu mới hậu COVID-19.
Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là tâm điểm dành được sự quan tâm chú ý của cộng đồng.
Năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index lập đỉnh kỷ lục trên 1.500 điểm và ghi nhận mức tăng +35,7% vượt trội so với mức tăng bình quân 15,2% của 5 năm gần nhất. Bên cạnh những kỷ lục mới về điểm số, thị trường chứng khoán còn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng với sự bùng nổ của thanh khoản, giá trị vốn hóa và sự hào hứng tham gia của nhà đầu tư mới. Bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đã trở thành chất xúc tác mạnh định hướng dòng tiền nhàn rỗi, qua đó nối dài đà tăng trưởng đã được định hình từ năm 2020.
Với những thành quả đã đạt được trong năm 2021, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng lớn hơn trong năm 2022. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng trong quá khứ, khi thị trường tăng điểm kéo dài cùng với sự gia tăng quá mạnh của dòng tiền đầu tư cá nhân luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report chỉ ra 2 nhóm rủi ro hàng đầu có thể kéo tăng trưởng xuống thấp hơn kỳ vọng, bao gồm: (1) lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ; và (2) xung đột chính trị Nga-Ukraine.
Áp lực lạm phát đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đà leo thang của giá nhiên, nguyên, vật liệu và sự gia tăng đột biến trong tổng cầu. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, EU… khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế, theo đó buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương phải nâng mức lãi suất.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát (qua việc quản lý giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) hơn là theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu. Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Như vậy so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì hiện tại dư địa không còn nhiều.
Thanh Tùng
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam