Chật vật xác thực sinh trắc học bằng điện thoại
Ngày 6/7 là ngày thứ 6 Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trong gần 1 tuần áp dụng quy định mới, phiền phức và mệt mỏi là cảm xúc chung của nhiều khách hàng, họ liên tục phản ánh về tình trạng khó kết nối tới hệ thống để cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
Nhiều khách hàng dù có đầy đủ căn cước công dân gắn chip, điện thoại di động có hỗ trợ NFC (kết nối không dây) nhưng vẫn phải ra quầy ngân hàng để làm xác thực dữ liệu sinh trắc học.
Chị Hoàng Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết, ngày 1/7 sau khi chụp, quét căn cước công dân theo hướng dẫn, tới thao tác quét khuôn mặt 3 vòng gần và xa thì ứng dụng ngân hàng của chị gặp lỗi. Sau nhiều lần thử lại không thành, chị nghĩ do ngày đầu thực hiện có thể hệ thống quá tải nên quyết định chưa thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học ngay.
Đến sáng nay (6/7), khi có nhu cầu chuyển hơn 10 triệu đồng tiền học thêm mấy tháng hè cho con, chị Hoa tiếp tục thử lại nhưng vẫn không thành công. Bất lực chị đành chia nhỏ khoàn tiền đóng học và sắp xếp thời gian ra ngân hàng nhờ cập nhật.
Hầu hết người dân gặp khó khăn khi thực hiện công đoạn quét NFC |
Trường hợp khác éo le hơn, chị Nguyễn Huệ (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - cho biết, từ tháng 5/2024, chị liên tục nhận được thông báo của ngân hàng Agribank về việc bổ sung thông tin sinh trắc học. Tuy nhiên thời điểm đó, chị vẫn đang dùng lại chiếc điện thoại Iphone 6plus cũ do người thân cho nên không thể thực hiện được việc cập nhật, vì ứng dụng yêu cầu phải cập nhật phiên bản mới nhất. Nghĩ ít khi thực hiện chuyển tiền giá trị cao và do điều kiện kinh tế chưa ổn định nên chị vẫn đắn đo việc thay đổi điện thoại.
Đến ngày 2/7, do không đăng ký đi du lịch hè nên 2 vợ chồng chị được công ty cho 3 triệu đồng, trích thêm nửa số lương của bản thân trong tháng 6, chị quyết định đổi chiếc điện thoại OPPO A60 trị giá gần 7 triệu đồng. Nhưng thật éo le, khi mang điện thoại về nhà dùng, đến khi tải và đăng nhập vào app ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chị không thể làm được, vì điện thoại mới của chị không có chức năng đọc NFC.
Chị Huệ mệt mỏi nói: “Tôi đã sơ suất khi không hỏi nhân viên bán hàng xem điện thoại có chức năng đọc NFC không và cũng không ngờ rằng đã mua điện thoại nhiều tiền đến vậy mà vẫn không có chức năng này. Đáng buồn hơn nữa là do đăng nhập app ngân hàng trên thiết bị mới và chưa cập nhật sinh trắc học nên tôi không thể thực hiện tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển và rút tiền. Khi gọi tổng đài thắc mắc thì tôi nhận được thông báo phải ra ngân hàng để cập nhật sinh trắc học mới tiếp tục sử dụng được dịch vụ của ngân hàng”.
Hoang mang vì truyền thông chưa sát
Nêu quan điểm về quy định mới của Ngân hàng Nhà nước tạo ra những luồng quan điểm trái chiều trong dư luận những ngày qua, chị Nguyễn Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) - bày tỏ, rất ủng hộ chủ trương bảo vệ khách hàng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lại cho rằng truyền thông về chủ trương này chưa sát.
Chị Hạnh cho biết, theo chị tìm hiểu, thì không phải tất cả các giao dịch đều phải dùng sinh trắc học, chỉ các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần và tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày mới phải xác thực sinh trắc học. Mà thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%, song lại có đến 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
“Điều này có nghĩa số người cần xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền quá ít. Vậy tại sao các ngân hàng không hướng dẫn người dân thực hiện dần dần? Những ngày qua tôi không hề đọc được thông tin hướng dẫn những giao dịch nào mới phải cập nhật sinh trắc học mà đâu đâu cũng là thông tin “bắt buộc”, “phải” thực hiện sinh trắc học trước ngày 1/7 gây tâm lý hoang mang cho người dân và tạo ra tâm lý đám đông không đáng có” - chị Hạnh bày tỏ.
Việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dân chủ động bảo vệ được tài khoản ngân hàng của mình |
Bên cạnh đó, theo chị Hạnh, ngoài những thông tin trên báo chí thì trên app của các ngân hàng cũng chỉ đưa ra những thông báo rất ngắn về việc áp dụng sinh trắc học và yêu cầu khách làm. Điều này một phần cũng khiến những khó chịu của khách khuếch đại lên. Bởi, đa số người dân chỉ hiểu chung chung là sinh trắc học để hạn chế lừa đảo, chứ không hiểu cặn kẽ vai trò của sinh trắc học.
Đồng quan điểm, một chuyên gia bảo mật cho rằng: “Chúng ta vẫn chưa truyền thông một cách đầy đủ đến người dân về ý nghĩa và tác dụng của việc cập nhật thông tin sinh trắc học trên tài khoản thanh toán. Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp”.
Vị chuyên gia giải thích, thông tin trên có nghĩa là sinh trắc học sẽ chặn đứng được các loại lừa đảo, hack tài khoản ngân hàng qua việc chiếm quyền sử dụng thiết bị khá phổ biến gần đây. Tức là, dù hacker có mật khẩu, có mã OTP của ngân hàng, chúng cũng không thể chiếm đoạt được số tiền lớn hơn 10 triệu vì không có hình ảnh chính chủ.
Bên cạnh đó, quan trọng hơn, sinh trắc học sẽ ngăn chặn được việc những kẻ lừa đảo, tội phạm công nghệ, dùng tài khoản ngân hàng mua, cho thuê, cho mượn để thực hiện giao dịch. Sinh trắc học siết chặt quản lý tài khoản ngân hàng để mọi người chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng chính chủ. Các giao dịch bất hợp pháp, lừa đảo, cờ bạc… đều sẽ khó khăn khi nhà chức trách truy được đầu cuối của dòng tiền.
“Đó là những điểm lợi rất lớn của việc thực hiện xác thực sinh trắc học với tài khoản ngân hàng. Người thụ hưởng lợi ích này, không ai khác, chính là người dân. Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn rằng mình không phải là nạn nhân dự bị của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo. Không ai trong chúng ta tự tin rằng chiếc điện thoại gắn bên mình không bị hacker chiếm quyền bằng những thủ đoạn tinh vi” - vị chuyên gia nói.
Đồng thời ông cho biết thêm, nếu người dân được truyền thông đầy đủ và hiểu rõ được lợi ích từ xác thực sinh trắc học thì những khó khăn, phiền toái trong khâu chuyển đổi sẽ được thấu hiểu hơn. Bên cạnh đó, “vì triển khai ồ ạt trong những ngày qua thì không thể tránh khỏi việc quá tải, tắc nghẽn hệ thống. Do đó, những trục trặc kỹ thuật vì lý do này, lý do kia cũng cần được các ngân hàng đưa ra. Bởi, khó khăn, phiền lụy không ai muốn, nhưng khi được truyền thông đầy đủ các bên sẽ dễ thông cảm với nhau hơn” - vị chuyên gia bày tỏ.