Tăng vốn nhờ cổ tức bằng cổ phiếu
Vietcombank, Sacombank, ACB, SHB, VIB, Techcombank là những ngân hàng sớm nhất đã phát thông báo về ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông. Phần lớn ngày tổ chức là tháng 4/2022, duy chỉ có VIB sớm hơn khi đại hội sẽ được diễn ra ngay trong tháng 3 này.
Ghi nhận ban đầu thì hầu hết các ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, hoặc chưa chia mà giữ lại lợi nhuận bổ sung vốn chủ sở hữu. Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt vừa có ý nghĩa tăng vốn điều lệ, vừa đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong chỉ thị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay để hạ thêm lãi suất cho vay.Cụ thể, ACB dự kiến chia cổ tức 2021 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, giúp nâng vốn điều lệ lên hơn 33.700 tỷ đồng; MSB cũng trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021; VIB có tỷ lệ chia khá cao tới 35%, đồng thời phát hành thêm 0,7% cho cán bộ, công nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác chỉ mới công bố kế hoạch dự kiến, với OCB mức cổ tức sẽ từ 20-25%, hay SHB có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%. Nam A Bank (mã NAB) cũng chưa công bố mức cổ tức dự kiến, mà chỉ khẳng định sẽ tiếp tục tăng vốn năm nay. Trong năm 2021, Nam A Bank đã phân phối xong 143 triệu cổ phiếu thông qua đợt phát hành riêng lẻ, thu về 2.860 tỷ đồng, giúp vốn điều lệ tăng lên gần 6.600 tỷ đồng.
Tăng vốn luôn là chủ đề nóng của nhóm ngân hàng cổ phần do Nhà nước sở hữu chi phối. Trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng này đã bớt áp lực phải chia cổ tức bằng tiền mặt nên đương nhiên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu được ưu tiên. Con số cụ thể chưa được công bố, nhưng với mức lợi nhuận cao năm 2021, khả năng sẽ tiếp tục có hàng tỷ cổ phiếu mới được trả cổ tức năm nay.
Trong năm 2021, Vietcombank (mã VCB) đã phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 47.300 tỷ đồng. Tương tự, BIDV cũng trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng. BIDV còn có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ, qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ nhưng chưa thực hiện.
Ngoài tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, kế hoạch bán vốn của VPBank (mã VPB) được chú ý nhiều nhất bởi tình hình dịch khiến kế hoạch này ngày càng “tĩnh lặng”. Hiện VPBank đã chính thức công bố về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ ngân hàng. Trước đó, VPBank đã hoàn tất bán 49% vốn tại công ty con là FECredit cho đối tác Nhật Bản là SMBC.
Sức ép cung cổ phiếu sẽ vơi bớt…
Mỗi kế hoạch tăng vốn dù theo phương thức nào đều tạo ra sự hưng phấn nhất định cho các cổ đông, tuy nhiên, với tỷ lệ cổ tức khá cao (đa số trên 20%) thì mối lo dội cung cổ phiếu nhà băng vẫn trực chờ. Trong năm 2021, gần chục tỷ cổ phiếu ngân hàng phát hành mới ra thị trường được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu “vua” chững lại suốt từ tháng 7/2021 tới nay.
Năm 2022, mặc dù sẽ vẫn là hàng tỷ cổ phiếu mới được cung ra thị trường theo con đường trả cổ tức, nhưng mối lo có thể vơi bớt nhờ các kế hoạch lợi nhuận khả quan hơn năm ngoái do chính sách thích ứng linh hoạt với dịch của Việt Nam, đặc biệt nhiều ngân hàng đang có khoản “dắt lưng” là hoàn nhập dự phòng.
Lợi nhuận cao và cổ tức cao tạo kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm có sóng khi những quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực từ việc hệ thống ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) chỉ ra một số chất xúc tác tiềm năng, cũng như kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2022. Chẳng hạn như ACB, ngoài tỷ lệ cổ tức 25% chi trả trong năm 2022, ngân hàng này còn có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao 229%.
Vietcombank cũng có khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 424%. Ngoài ra, Vietcombank còn có kế hoạch bán 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
BIDV có chất xúc tác là kế hoạch phát hành 341,5triệu cổ phiếu (tương đương 6,8% vốn điều lệ hiện tại) cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm 2022. SHB đã chuyển nhượng 50% vốn tại SHB Finance sang cho Krungsri và sẽ chuyển 50% còn lại sau 3 năm nữa…
Bên cạnh đó, nhiều nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong năm nay. Đơn cử, MSB lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với thực hiện 2021. Ngân hàng này đã thoái vốn khỏi công ty tài chính FCOMM, kỳ vọng sẽ ghi nhận lãi 2.000 tỷ đồng từ thoái vốn.
VietinBank (mã CTG) có thể ghi nhận thu nhập phí tăng do ghi nhận khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền với Manulife Việt Nam trong thời gian 16 năm. Ngoài ra, nhà băng này đang thoái vốn khỏi các công ty con để củng cố nguồn vốn. Nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm 2022 có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng. Năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10-20% so với năm 2021.
VIB được dự báo đạt tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 37%. HDBank được dự báo lợi nhuận tăng 21%...
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital đưa ra nhận định, trong năm 2022, những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi và có triển vọng sáng trên thị trường chứng khoán là ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%). Riêng với cổ phiếu ngân hàng, theo ông Michael Kokalari, lợi nhuận của các nhà băng có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn. Các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần do Nhà nước chi phối, sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, tức là sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay.
Đồng thời, chi phí vốn thấp hơn, nhờ huy động được nhiều hơn từ các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp. Ngoài ra, các biện pháp giãn nợ của Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng bù đắp các khoản lỗ cho vay hỗ trợ ảnh hưởng của Covid-19 trong hơn 3 năm qua và giúp cải thiện lợi nhuận ngay trong năm nay. Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cũng cho rằng, dù lạc quan về triển vọng chung của ngành nhưng tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét, dao động từ 6-50%, do có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên chất lượng tài sản - vốn mà có sự chênh lệch này.
Song, nhìn chung, mức tăng trưởng tín dụng trung bình của ngành ngân hàng có thể đạt 14% trong năm nay. Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance độc quyền với các công ty bảo hiểm nước ngoài, thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn và các câu chuyện về tài trợ quay vòng, tái cơ cấu nợ.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, năm 2022, ngành ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức do ảnh hưởng của đại dịch lên ngành có độ trễ nhất định. Nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng lên do nhiều doanh nghiệp tiếp tục “ngấm đòn”, ngân hàng có những khoản phải hạch toán hoặc phải chuyển nhóm nợ cho sát với thực tế hơn. Dù vậy, với việc tăng trích lập dự phòng, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao, hệ thống ngân hàng có đủ lực ứng phó với rủi ro trong 1-2 năm tới.
Thùy Vinh/ĐTCK
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam