Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17/2024/TT-NHNN) và quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18/2024/TT-NHNN). Đến nay, cơ bản các Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dich vụ thanh toán đã hoàn thành và hoàn thành tốt việc thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng để áp dụng trong dịch vụ thanh toán chuyển tiền trực tuyến (trên môi trường internet). Hệ thống chạy tốt, khách hàng giao dịch bình thường, thông suốt.
Về bản chất, đây là giải pháp công nghệ để đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo mật và bảo vệ thông tin tốt nhất trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền điện tử, thông qua việc xác thực và nhận diện khách hàng bằng sinh trắc học, đảm bảo khách hàng trong giao dịch thanh toán điện tử là chính chủ tài khoản, qua đó mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Có thể nói đây là một giải pháp công nghệ, song chứa đựng nội hàm và mang lại ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện.
Kết quả đạt được cho thấy hội tụ bởi nhiều yếu tố, mang đậm dấu ấn chính sách và chỉ đạo quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước, là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý.
Thứ nhất, để có được kết quả thành công, trước tiên cần có chủ trương chính sách trúng và đúng. Trong trường hợp này, chính sách của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đúng, chính xác và phù hợp xu thế. Thực hiện tốt giải pháp xác thực sinh trắc học đã góp phần quan trọng và là cơ sở nền tảng để tiếp tục phát triển hiệu quả ngân hàng số; thực hiện tốt giải pháp phòng chống tội phạm công nghệ, phòng chống rửa tiền và bảo đảm an ninh kinh tế; tạo điều kiện mở rộng và tăng trưởng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Những quy định cụ thể, từ một chính sách cụ thể song mang lại ý nghĩa rất lớn, đó là sự vận dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ; đó là sự quyết tâm và phối hợp hiệu quả trong thực hiện các giải pháp phòng chống tội phạm công nghệ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; đó là việc cụ thể hóa các giải pháp phát triển ngân hàng số…
Tất cả những kết quả đó trở thành là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc định hướng, ban hành và thực hiện chính sách để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển nền kinh tế số hiện nay.
Thứ hai, bài học về công tác tổ chức và triển khai thực hiện chính sách. Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình, thời gian thực hiện, quy mô và mức độ thưc hiện phù hợp đã tạo cho các TCTD chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện, trong đầu tư, đổi mới và ứng dụng công nghệ; trong xây dựng quy trình nghiệp vụ để thu thập dữ liệu và xử lý thông tin; trong việc hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng thực hiện…
Trong đó, với việc ban hành Quyết định 2345 để thực hiện xác thực sinh trắc học chỉ với những giao dịch trên 10 triệu và tổng giao dịch trên 20 triệu trong ngày, thực hiện từ ngày 1/7/2024 là rất phù hợp, khoa học và hiệu quả. Ở góc độ quản lý, kết quả thực hiện Quyết định 2345 mang lại ý nghĩa rất lớn cho sự thành công việc áp dụng xác thực sinh trắc học toàn diện, đối với các giao dịch thanh toán chuyển tiền trực tuyến theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18. Đây là bài học kinh nghiệm lớn đối với công tác quản lý, công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển ngân hàng số. Chính những kinh nghiệm về vận hành, về thông tin truyền thông; về xử lý khó khăn vướng mắc và hỗ trợ khách hàng từ việc thực hiện Quyết định 2345 của các TCTD, đã trở thành những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện Thông tư 17, hiệu lực từ ngày 1/1/2025 vừa qua.
Thứ ba, bài học về công tác thông tin truyền thông. Sự kiện truyền thông cho công tác xác thực sinh trắc học theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước có thể nói rất hiệu quả và toàn diện. Trong đó các TCTD đã chủ động tổ chức thực hiện, với rất nhiều hình thức khác nhau, đa dạng phong phú và linh hoạt, hiệu quả (qua các video hướng dẫn, đơn giản, dễ hiểu và trực quan sinh động được truyền tải trên các kênh: website của TCTD; app ngân hàng; tin nhắn, fanpage…) và trực tiếp hướng dẫn cho khách hàng, cũng như tổ chức hỗ trợ tư vấn qua dịch vụ 24/7 tại mỗi TCTD, giúp khách hàng nắm bắt và thao tác thực hiện được dịch vụ, thực hiện được việc cung cấp, cập nhật thông tin dữ liệu sinh trắc học và sử dụng thuận lợi dịch vụ thanh toán trực tuyến khi áp dụng giải pháp này….
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phối hợp với cơ quan truyền thông, báo đài, truyền hình tổ chức thông tin thường xuyên, liên tục và được tiếp cận với nhiều góc độ khác nhau, với cùng nội dung và mục đích để truyền thông chính sách, qua đó giúp người dân, khách hàng và cả TCTD đồng thuận trong thực hiện chủ trương chính sách thuận lợi. Chính thông qua hoạt động thông tin truyền thông này, đã góp phần đưa cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ đối với công tác quản lý, mà còn đối với chính mỗi TCTD trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế chính sách và phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày nay.
Nguyễn Đức Lệnh