Theo các số liệu thống kê, tổng huy động vốn và dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn chiếm khoảng 30% của cả nước, có thời kỳ chiếm tới 1/3 cả nước. Hiện nay, tỷ lệ này đã thay đổi và giảm xuống mức dưới 30%, song vai trò đầu tàu vẫn còn nguyên ý nghĩa cả về số lượng, quy mô và nội hàm về động lực phát triển.
Điều đó có được xuất phát từ chính bản chất về sự năng động, sáng tạo của thành phố, của các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng, gắn với những bài học kinh nghiệm về sự ra đời và phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần; các loại hình tổ chức tín dụng đa sở hữu, đa dạng và phong phú; gắn với những kết quả về thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; gắn với những đề xuất và kiến nghị để thị trường tài chính tiền tệ và hoạt động ngân hàng phát triển.
Để ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa phương với vai trò đầu tàu về tăng trưởng và phát triển, tạo động lực góp phần quan trọng vào việc thực hiện và đạt mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của cả nước, của khu vực và quốc tế cần lưu ý tập trung đồng bộ các giải pháp. Trong đó, nổi bật một số giải pháp có ý nghĩa nền tảng cần lưu ý như: các giải pháp về phát triển thị trường tài chính tiền tệ; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng trên đia bàn phải đảm bảo an toàn hiệu quả, thực hiện tốt các giải pháp về cơ cấu lại hoạt động các tổ chức tín dụng và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục phát triển thị trường tài chính tiền tệ trên địa bàn, giữ vững vị trí vai trò đầu tàu của cả nước, về cả quy mô, thị phần, thị trường, mạng lưới hoạt động và đặc biệt sự phát triển đa dạng và hiệu quả của các định chế tài chính. Trong quá trình này, về mặt chính sách và môi trường đầu tư, tiếp tục tạo thuận lợi để khai thác và phát huy lợi thế, sự khác biệt thuộc bản sắc của thành phố: đó là sự năng động và sáng tạo. Chính sự khác biệt này đã tạo động lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng và phát triển liên tục trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Tạo ra những thương hiệu ngân hàng mạnh, uy tín và giữ vị trị đầu tàu trong suốt giai đoạn vừa qua.
Thứ hai, tạo sự đột phá trong tăng trưởng và phát triển của thị trường tài chính trên địa bàn thành phố, với các giải pháp về đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại theo định hướng phát triển ngân hàng số.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Ngân hàng mà là đòi hỏi từ chính xu hướng phát triển và yêu cầu phát triển nền kinh tế số và trực tiếp là mục tiêu phát triển thị trường tài chính thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Thực hiện tốt giải pháp này, trước mắt sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng của ngành Ngân hàng thành phố và khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho tăng trưởng kinh tế thành phố để đạt được các mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025; chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025 của ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng – đây là nhiệm vụ cụ thể và thiết thực góp phần quan trọng vào việc thực hiện 2 nhóm giải pháp trên, để tạo ra sự đột phát trong tăng trưởng và phát triển. Trong đó tăng trưởng và phát triển phải đảm bảo bền vững, gắn với thực hiện đề án cơ cấu lại TCTD giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với nội hàm kiểm soát tốt nợ xấu; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển mạnh các dịch vụ tài chính ngân hàng; phát triển tài chính toàn diện và cải cách hành chính. Trên cơ sở khai thác tốt các yếu tố nguồn lực: vốn,công nghệ và con người.
Trong đó hình thành đội ngũ cán bộ ngân hàng chất lượng cao; kết hợp hình thành văn hóa công sở, gắn với khát vọng phát triển, khơi dậy niềm tự hào và lòng yêu nghề, tạo yếu tố cạnh tranh mềm trong phát triển để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thành phố, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đức Lệnh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ