Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, với 8 chương, 96 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Trong đó, đối tượng áp dụng là cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.
So với những văn bản trước đây, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có sự điều chỉnh, bổ sung rất nhiều trong công tác thi đua, khen thưởng như: Bổ sung 02 nguyên tắc khen thưởng: “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” và “Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”; Thay đổi đối tượng được tặng Huân chương Lao động; Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài;…
Đồng thời, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (quy định tại Điều 96). Theo đó, thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Bên cạnh đó, Luật còn chú trọng nội dung về khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ...; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng;…
Luật Đấu thầu 2023
Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực thay thế cho Luật Đấu thầu hiện hành từ ngày 01/01/2024. Luật được thiết kế bao gồm 10 Chương, 96 Điều, với một số điểm mới được bổ sung như sau:
Về đối tượng áp dụng, Luật đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Về chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, Luật bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24; quy định về hình thức chào hàng cạnh đã cho phép áp dụng rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, và hỗn hợp.
Bên cạnh đó, việc xác định tính chất đơn giản, phức tạp của công trình xây lắp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Theo đó, khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật xây dựng về phân loại, phân cấp công trình và giá gói thầu để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, trong đó có hình thức chào hàng cạnh tranh.
Ngoài ra, liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng…cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 gồm 12 chương và 121 điều được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Luật được xây dựng nhằm đảm bảo lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Một số điểm mới nổi bật đáng chú ý như: Luật thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề;
Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề;
Quy định người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo;
Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, Luật cũng có các quy định về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trịngười bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.
Bên cạnh đó, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, bổ sung một số quy định về tài chính: Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao".
P.V