Theo Tờ trình, sân bay lưỡng dụng sẽ đầu tư các hạng mục đồng bộ, hiện đại nhằm kết nối các đường bay nội địa và quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo thế và lực trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biển đảo của Việt Nam.
Được biết, hiện Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 dự án sân bay đang được xúc tiến gồm: sân bay Gò Găng (tọa lạc tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), sân bay Côn Ðảo và sân bay chuyên dùng Ðất Ðỏ (thường gọi là sân bay Hồ Tràm).
Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 dự án sân bay đang được xúc tiến đầu tư, Ảnh minh họa |
Trong 3 dự án trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất giao cho Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm lập, nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư sân bay Đất Đỏ. Từ năm 2016, chính Công ty này đề xuất xin được đầu tư sân bay chuyên dùng tại huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục đích đầu tư sân bay này để đón khách quốc tế cho tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strips do Công ty làm chủ đầu tư đang hoạt động tại huyện Xuyên Mộc. Tháng 10/2020, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay này nằm ở xã Lộc An và xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) với diện tích quy hoạch gần 250ha.
Đối với dự án sân bay Gò Găng (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) do Ban quản lý giao thông Cái Mép - Thị Vải làm đại diện chủ đầu tư hiện cũng đang được lập chủ trương đầu tư (tiền khả thi).
Đại diện ban này cho biết đến nay dự án này đã được Bộ Quốc phòng thống nhất về vị trí. Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý sau khi sân bay Gò Găng đi vào hoạt động sẽ chuyển sân bay chuyên dùng cho trực thăng hiện tại ở Vũng Tàu về đây và giao lại đất cho tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện đơn vị tư vấn đang bổ sung thêm phương án bố trí mặt bằng theo yêu cầu của tỉnh. Sau khi xây dựng xong hồ sơ tiền khả thi sẽ trình Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch, sau đó trình ra HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thông qua.
Về vốn đầu tư sân bay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách cùng với việc kêu gọi dự án khu đô thị Gò Găng. Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.
Đối với sân bay Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai xây dựng mới 1 đường lăn song song và 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay mới.
Theo đó, thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo dự kiến từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2023 để triển khai xây dựng mới 1 đường lăn. Sau khi hoàn thành, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), có 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai máy bay bay A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.
Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, một phần sử dụng vốn ngân sách (kéo dài đường băng, mở rộng sân đỗ, hệ thống đèn), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay).
Liên quan đến nhà đầu tư đề xuất, theo tìm hiểu, Công ty CP An sinh cộng động Quốc tế (viết tắt là Công ty An Sinh cộng đồng Quốc tế) là doanh nghiệp tương đối non trẻ, thành lập tháng 5/2019, trụ sở đặt tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà để ở, khai thác xử lý cung cấp nước, xây dựng công trình đường sắt, công trình điện, công trình công ích…
Vốn sáng lập đăng ký của Công ty là 150 tỷ đồng, góp bởi 3 cá nhân là ông Hồ Ngọc Trọng (SN 1945) với 30% cổ phần, ông Trầm Thanh Hoàng (SN 1966) với 50% cổ phần, và ông Lại Minh Long nắm 20% cổ phần còn lại.
Khi đó, sở hữu cổ phần chi phối, ông Trầm Thanh Hoàng cũng giữ chiếc ghế "nóng" Chủ tịch hội đồng quản trị. Ông Lại Minh Long đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Ít ngày sau thành lập, Công ty Quốc tế tăng vốn điều lệ "thần tốc" lên 900 tỷ đồng. Đến tháng 7/2019, ông Long rời vị trí tổng giám đốc, chuyển giao cho ông Hoàng kiêm nhiệm.
Ánh Dương