Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu 152 tỷ đồng - tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh dưới giá vốn tiếp diễn khiến công ty lỗ gộp gần 37 tỷ đồng - giảm so với mức âm 136 tỷ của quý 2 năm ngoái.
Kỳ này, chi phí tài chính giảm mạnh từ 377 tỷ chỉ còn 88 tỷ đồng chủ yếu nhờ giảm mạnh khoản chi phí chênh lệch tỷ giá hối đoái) giúp HAGL Agrico thu hẹp mức lỗ ròng còn 128 tỷ (cùng kỳ lỗ 557 tỷ đồng). Đây là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của công ty kể từ đầu năm 2021.
Xét theo cơ cấu doanh thu, mảng cây ăn trái ghi nhận doanh thu quý 2 chỉ đạt 133 tỷ đồng - giảm 40% YoY - tương đương sản lượng 8.986 tấn trong đó chuối chỉ đạt 8.754 tấn so với kế hoạch đề ra là 12.060 tấn.
Với mảng cao su: Quý 2, HNG ghi nhận doanh thu chỉ 17 tỷ đồng, tương ứng sản lượng đạt 581 tấn (kế hoạch 1.772 tấn); tình trạng thiếu nhân công cạo mủ cùng với sản lượng khai thác đầu vụ thấp; chi phí giá vốn vườn cây lớn dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Mặc dù vậy, mức lỗ quý 2 đã giảm mạnh so với cùng kỳ xuất phát từ việc HAGL Agrico chuyển đổi dòng tiền hạch toán từ đồng LAK sang đồng USD nên không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá (cùng kỳ năm ngoái HNG ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá ở mức 329 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/6, HAGL Agrico đang lỗ tỷ giá hơn 2.200 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HNG đạt 278 tỷ đồng doanh thu - giảm 23% YoY; lợi nhuận sau thuế âm 241 tỷ - giảm 64% so với mức lỗ 670 tỷ của quý 2/2022.
Năm 2023, HAGL Agrico lên kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng. Nguồn thu năm nay của HNG chủ yếu đến từ cây ăn trái và cao su.
|
Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt gần 331 triệu đồng, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (13 tỷ đồng). Nguyên nhân là do doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu bán bất động sản trong quý này.
Doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể với hơn 26 triệu đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 63 tỷ đồng (chủ yếu là lãi chậm thanh toán). Trong khi đó, chi phí tài chính ghi nhận tăng 50% lên gần 48 tỷ đồng.
Kết quả, LDG lỗ ròng hơn 74 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 4 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ đem về hơn 1 tỷ đồng doanh thu và ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 144 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng).
Mới đây, HĐQT LDG đã có quyết định thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (lần 3) đến 31/8/2023. Trước đó, Đại hội lần 1 và lần 2 của doanh nghiệp này không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ tham gia theo quy định.
Theo tài liệu đại hội, năm nay LDG đặt mục tiêu đạt 1.448 tỷ đồng doanh thu thuần (gấp 5,2 lần so với kết quả 2022) và 3,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Công ty CP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) vừa công bố doanh thu thuần quý 2/2023 đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng tới 15% nên lợi nhuận gộp còn 880 tỷ.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 66 tỷ, tăng 51%. Khoản lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 173 tỷ đồng, giảm 24%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 13% lên 255 tỷ đồng và các chi phí hoạt động khác cũng gia tăng. Kết quả, công ty lãi sau thuế gần 624 tỷ đồng, giảm 17%.
REE cho biết, lợi nhuận quý 2 giảm chủ yếu vì mảng điện. Các công ty thành viên và công ty liên kết thuộc nhóm thủy điện như Thác Bà , Thác Mơ, Thủy điện Miền Trung… chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thủy văn, nước về hồ sụt giảm, tác động trực tiếp đến sản lượng, khiến lợi nhuận mảng này giảm 95 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng cùng mặt bằng lãi suất biến động cũng tác động đến mảng cơ điện lạnh, làm chi phí dự phòng nợ tăng, khiến lợi nhuận nhóm này giảm.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, REE ghi nhận doanh thu thuần 4.543 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng năng lượng đóng góp gần 59% với 2.669 tỷ, mảng cơ điện lạnh và thương mại mang về 1.313 tỷ đồng doanh thu và đóng góp gần 29%; trong khi mảng nước chỉ mang về 27 tỷ đồng doanh thu và chỉ đóng góp 0,6% vào cơ cấu.
Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE : HAX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 797 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, giá vốn hàng bán lên tới 740 tỷ đồng khiến lãi gộp còn 56 tỷ. Biên lãi gộp còn 7%.
Doanh nghiệp hụt thu từ hoạt động tài chính, trong khi chi phí tài chính tăng hơn 2 lần và chi phí bán hàng gia tăng. Kết quả, công ty chỉ còn lãi sau thuế chưa tới 3 tỷ đồng, giảm 97%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty giảm 44% về 1.790 tỷ với doanh thu từ bán xe là 1.524 tỷ, còn lại từ dịch vụ sửa chữa và bán phụ tùng xe. Công ty lãi sau thuế hơn 6 tỷ và giảm 95% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được hơn 6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến hết 30/6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp chuyên phân phối xe Mercedes là 357 tỷ đồng.
Theo giải trình của Haxaco, nền kinh tế trong nước cũng như thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn, cần thời gian phục hồi và tăng trưởng trở lại, do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng xe ô tô phân khúc cao cấp, dẫn đến số lượng xe bán ra trong 6 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW), doanh thu thuần ghi nhận 4.596 tỷ đồng giảm 6% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 7 % lên 9%.
Về cơ cấu doanh thu, mảng điện thoại di động vẫn là nguồn thu chính của công ty với 2.190 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Tiếp theo là mảng máy tính xách tay với 1.342 tỷ đồng, tăng 19% so với quý 2/2022.
Trong kỳ, các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng 106% lên 242 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng đạt 83 tỷ đồng, giảm 39% so với quý 2/2022.
Luỹ kế 6 tháng, Digiworld đạt 8.556 tỷ doanh thu thuần, 162 tỷ lãi ròng giảm lần lượt 28%, 53% so với cùng kỳ. Năm nay, công ty đặt mục tiêu 20.000 tỷ đồng doanh thu giảm 9%, lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng giảm 42% so với năm 2022. Với 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Digiworld mới hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận, 43% chỉ tiêu doanh thu.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 62.100 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022, nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 75.578 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 76% kế hoạch năm 2023.
Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 21.600 tỷ đồng, tăng 295% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch năm. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.954 đồng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023, doanh số bán hàng của Vinhomes đạt 40.600 tỷ đồng, chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Trong đó, doanh số quý II đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 58% so với quý I/2023, cho thấy thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc.
Nhìn chung, các đợt mở bán thành công của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 với giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) và doanh số chưa bàn giao đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 đã tạo tiền đề vững chắc cho doanh thu lợi nhuận của Vinhomes trong năm 2023.
Quý 2/2023, Vincom Retail (VRE) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc, song hành cùng sự phát triển trở lại của thị trường bán lẻ.
Ngày 27/7/2023, Công ty CP Vincom Retail (HOSE: VRE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023.
Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 2.173 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại (TTTM) ghi nhận doanh thu 1.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Vincom Retail ghi nhận 1.001 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý II, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng 2023, doanh thu thuần đạt 4.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.025 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 76% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động cho thuê TTTM 6 tháng đạt 76%, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, là kết quả của tăng trưởng doanh thu cũng như cơ cấu chi phí săn chắc, bộ máy vận hành linh hoạt, hiệu quả.
Báo cáo tài chính quý II/2023 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC, UPCOM: MVN) cho thấy, doanh nghiệp này cũng không nằm ngoài “cơn sóng dữ” của thị trường vận tải biển, với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt “đi lùi”.
Cụ thể, doanh thu thuần của VIMC giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.363 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm nhẹ 2% khiến lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, ở mức 42%, xuống còn 717 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính kỳ này của VIMC vẫn còn những điểm sáng ở các chỉ tiêu khác. Cụ thể, doanh thu tài chính đạt 197 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Lãi từ liên doanh, liên kết cũng tăng tới 34%, lên mức 53 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ, lần lượt ở các mức 19%, 12% và 25%.
Kết quả, VIMC ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt 635 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm 48%, xuống mức 511 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VIMC đạt 6.213 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 46%, lần lượt đạt 1.120 tỷ đồng và 907 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom, UPCOM: FOX) có hơn 10.700 tỷ đồng mang đi gửi ngân hàng, đồng thời cũng đang “gánh” một khoản nợ không nhỏ, trên 9.000 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2023, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.892 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng tới gần 17%, lên mức 2.128 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống mức 1.754 tỷ đồng.
Trong kỳ kinh doanh này, doanh thu hoạt động tài chính tăng 5%, đạt 211 tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù chi phí lãi vay tăng tới 18% nhưng chi phí tài chính vẫn được tiết giảm, từ mức 126 tỷ đồng xuống còn 119 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí bán hàng chỉ tăng nhẹ 5% còn chi phí quản lý doanh nghiệp được điều tiết hiệu quả, giảm tới 12% so với cùng kỳ cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp lợi nhuận trước thuế đảo chiều, ghi nhận mức tăng trưởng 6%, đạt 790 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự “đóng góp” của khoản lợi nhuận khác vào kết quả này, với việc mang về gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ đồng.
Sau cùng, doanh nghiệp lãi sau thuế 632 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý của doanh nghiệp viễn thông này kể từ khi lên sàn chứng khoán vào đầu năm 2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FPT Telecom tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 7.682 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.514 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 4%.
Được biết, năm 2023, doanh nghiệp viễn thông này đặt mục tiêu doanh thu đạt 16.730 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.230 tỷ đồng, đồng loạt tăng trưởng so với năm 2022. Đối chiếu với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, FPT Telecom đã thực hiện được 46% mục tiêu doanh thu và 47% mục tiêu lợi nhuận, bám sát kế hoạch kinh doanh cả năm.
360° doanh nghiệp ngày 25/7: Lợi nhuận của TCM sụt giảm tới 97% trong quý 2 Một doanh nghiệp vận tải biển báo lãi quý 2 gấp 20 lần cùng kỳ; Lợi nhuận của TCM sụt giảm tới 97% trong quý ... |
360° doanh nghiệp ngày 26/7: DN của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 tăng gần 440 lần Doanh nghiệp khách sạn của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 gấp 439 lần; Đường Quảng Ngãi chính thức hoàn thành kế hoạch ... |
360° doanh nghiệp ngày 27/7: Nợ xấu ABBank "nhảy vọt" Sabeco báo lãi giảm 32% trong qúy 2, cổ phiếu SAB vẫn “bứt phá”; Nợ xấu ABBank "nhảy vọt"; Năm Bảy Bảy (NBB) báo lãi ... |
Minh Khang (T/H)