4 nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh

22/01/2021 - 00:01
(Bankviet.com) Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: kết quả, bài học và định hướng 2021-2025.

Báo cáo kết quả cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2014-2020, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ).

Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ.

Các điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ; chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam. Một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch; cẩn trọng trong ban hành các quy định; có sự giám sát của nhiều bên; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Có những điều kiện kinh doanh lại chứa đựng điều kiện kinh doanh, những điều kiện kinh doanh dưới hình thức quy định về chứng chỉ do cơ quan quản lý nhà nước đào tạo và cấp khá phổ biển. Quy định về chứng chỉ đôi khi mang tính hình thức hơn là năng lực thực chất. Thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế. 

Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, duy trì nỗ lực cải cách trước đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/2021/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 với 4 nhóm giải pháp. Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất nhấn mạnh giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung các giải pháp phải phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, trong một bộ, ngành chỉ có một đầu mối quản lý với một mặt hàng, kết nối chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Nhóm giải pháp thứ 2 hướng tới chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, yêu cầu cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử.

Nhóm giải pháp thứ ba là thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy cần sự đổi mới từ dưới lên và phải chú trọng vai trò của chính quyền địa phương. Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh một số mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: trung tâm hành chính công tập trung và sự chuyên nghiệp của thủ tục hành chính; cafe doanh nhân và mô hình đối thoại chính quyền – doanh nghiệp hiệu quả…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới có một số thách thức như các vấn đề và lĩnh vực cải cách khó khăn, phức tạp hơn, dư địa để cải cách ngay hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách, thiếu nguồn lực và hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ, thiếu các nghiên cứu có chất lượng bổ trợ cho các đề xuất giải pháp cải cách.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 – 2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn, định hướng của Chính phủ về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định rõ.

TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: