Cụ thể, Vietcombank là ngân hàng có lãi suất thấp nhất trong nhóm, ghi nhận ở mức 3%/năm. Mức lãi suất này đang được niêm yết cho khoản tiền gửi có kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng.
Phạm vi lãi suất mà Vietcombank đang áp dụng tiếp tục duy trì trong khoảng từ 3%/năm đến 5,5%/năm, tương ứng với kỳ hạn từ 1 đến 60 tháng. Khách hàng tham gia gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,5%/năm.
Tại ngân hàng Agribank, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được triển khai trong khoảng từ 3,1%/năm đến 5,5%/năm, không thay đổi so với khảo sát hồi tháng trước.
Khách hàng có thể tham gia gửi tiết kiệm tại Agribank với thời hạn gửi từ 1 tháng đến 24 tháng. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất mà ngân hàng đang triển khai là 5,5%/năm, niêm yết tại các kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.
Tương tự, lãi suất ngân hàng VietinBank trong tháng này cũng không ghi nhận có sự điều chỉnh mới. Các khoản tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên có lãi suất dao động từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm.
Trong đó lãi suất cao nhất đang được VietinBank triển khai là 5,6%/năm, áp dụng với tiền gửi tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Đáng chú ý trong tháng này BIDV đã có động thái tăng lãi suất sau nhiều tháng giữ ổn định. Khung lãi suất tiền gửi đang được niêm yết từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm.
Theo đó lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đồng loạt tăng 0,1 điểm %, từ 5,5%/năm lên mức 5,6%/năm.
So sánh lãi suất ngân hàng trong tháng 6, mức lãi suất cao nhất trong nhóm “Big 4” hiện là 5,6%/năm, ghi nhận được tại 2 ngân hàng VietinBank và BIDV.
Trên thực tế, dù niêm yết lãi suất huy động ở mức thấp nhất trên thị trường nhiều năm qua, tăng trưởng tiền gửi của nhóm “Big 4” vẫn rất tốt. Năm 2021, tiền gửi của khách hàng tại VietinBank tăng tới 17,3% lên hơn 1,16 triệu tỷ đồng. 3 ngân hàng còn lại cũng có tăng trưởng rất mạnh: Agribank (9%), BIDV (12,5%), Vietcombank (10%).
Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn luôn có lợi thế về huy động vốn, không bị phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng lãi suất do có mạng lưới phòng giao dịch rộng khắp cả nước.
Hơn nữa, khác với các ngân hàng tư nhân, nhóm ngân hàng quốc doanh còn thực hiện nhiệm vụ trong việc góp phần điều tiết thị trường tiền tệ, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Những diễn biến trong lịch sử cho thấy, động thái của nhóm ngân hàng này có tác động mạnh tới mặt bằng lãi suất khi họ nắm giữ thị phần rất lớn (chiếm gần 50% toàn hệ thống).
Hoàng Quyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam