Đầu tháng 6, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể:
Từ ngày 14/05/2022, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 6%/năm và 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 7,3%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng cũng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 7,3%/năm.
KienlongBank lại tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và trên 12 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 3,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 5,7%/năm.
Bac A Bank cũng chỉ tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 6-12 tháng tại kỳ điều chỉnh 26/05/2022. Ngân hàng nâng mức lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 6,35%/năm và 12 tháng lên 6,8%/năm.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn như DongABank, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Techcombank (TCB) và Ngân hàng Quốc Dân (NCB).
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 7/6/2022 (Ảnh: Vietstock)
Như OCB tăng từ 0,2-0,25 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn từ ngày 12/05/2022. Ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,6%/năm và 12 tháng lên mức 6,3%/năm.
Trong khi đó, với khoản tiền gửi 10 - 300 triệu đồng, VIB nâng mức lãi suất tiền gửi 1 tháng lên 3.9%/năm, 3 tháng nâng lên 4%/năm và 6 tháng là 5.6%/năm.
Từ ngày 4/6/2022, TCB cũng nâng từ 0,15-0,35 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn tiền gửi. Như trường hợp khách hàng thường, dưới 50 tuổi và áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, TCB sẽ áp dụng mức lãi suất 3 tháng là 3,35%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 4,65%/năm và 12 tháng là 5,55%/năm.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tính đến đầu tháng 6/2022 phổ biến ở mức 2,85-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 4-6,35%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 5,1-7,3%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Tính đến ngày 7/6/2022, ở kỳ hạn 12 tháng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 7,3%/năm. Xếp ngay đó là Bac A Bank với 6,8%/năm và VietABank là 6,6%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, Bac A Bank áp dụng mức lãi suất cao nhất 6,35%/năm, kế đến là NCB với 6,3%/năm và SCB, VietABank cùng ở mức 6%/năm.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo báo cáo của VNDirect, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30 -50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9 -6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5 -5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Cùng quan điểm, BSC cũng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,5-1% trong năm 2022. Dự báo trên đến từ kịch bản lạm phát tăng và tỷ lệ cho vay trên huy động của các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng trở lại.
Linh Linh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam