Từ ngày 23/5/2022, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,2%/năm, kỳ hạn 36 , dành cho khách hàng VIP 1, tăng 0,3 %/năm so với trước đó. Với gửi online, lãi suất cao nhất là 6,5%/năm.
Techcombank cũng cộng thêm lãi suất khoảng 0,3-0,45 điểm % ở nhiều kỳ hạn khác. Đây là một trong những lần điều chỉnh lãi suất mạnh nhất của Techcombank trong hơn nửa năm trở lại đây. Trong các lần trước, Techcombank thường chỉ tăng/giảm nhẹ lãi suất, khoảng 0,1-0,2 điểm %.
Với khách hàng thường, khi gửi kỳ hạn 36 tháng tại quầy, số tiền dưới 1 tỷ tại Techcombank sẽ có lãi suất 5,85%/năm, trên 1 tỷ có lãi suất 5,95%/năm, tăng 0,45%/năm so với trước. Còn đối với gửi theo hình thức online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng sẽ là 6,3%/năm.
Một ngân hàng tư nhân lớn khác là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) liên tục điều chỉnh lãi suất từ đầu năm đến nay là VPBank. Ngân hàng này có biểu lãi suất huy động mới hiệu lực từ ngày 17/5/2022 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn trên kênh tiền gửi online.
Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, khi gửi số tiền dưới 300 triệu, lãi suất huy động của VPBank hiện là 6,4%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước.
Tương tự, cũng với khoản tiền đó, khi gửi kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng từ 6% lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm. Trong khi đó, VPBank giữ nguyên các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.
Hiện lãi suất cao nhất ở VPBank là 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 36 tháng theo hình thức trực tuyến. Trong khi đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,7%/năm.
Các ngân hàng Big 4 vẫn đang giữ nguyên lãi suất gửi tại quầy. Trong đó, Vietcombank, Agribank và BIDV cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan trong quý I/2022. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ đồng, tương đương tăng 3,28%. Mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 219.500 tỷ lên hơn 5,86 triệu tỷ, tương đương 3,89%.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy số dư tiền gửi tại nhiều ngân hàng tăng trưởng rất mạnh trong quý I, đăc biệt như VPBank còn có mức tăng bằng cả năm 2021 (13,4%).
Theo giới quan sát, tiền gửi tăng nhanh trong quý I năm nay chủ yếu do các ngân hàng đẩy mạnh thu hút khách hàng thông qua nâng lãi suất huy động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ cho rằng, khi lãi suất huy động tăng lên thì tất yếu tiền gửi phần nào cũng quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam