1. Gạt bỏ tự ái và cái tôi cao
Việc một người yêu quý bản thân mình và trân trọng giá trị của mình không xấu, ngược lại rất tốt. Nhưng cái gì quá đều không tốt. Nếu bạn quá quan tâm đến cảm xúc của bản thân và muốn mình đóng vai trò quyết định trong mọi việc sẽ vô tình làm tổn thương người khác và làm giảm hiệu quả của việc hợp tác Do đó hãy buông bỏ cái tôi cao trong các mối quan hệ.
2. Tập thể dục
Tập thể dục 20 phút mỗi ngày (có thể đơn giản như đi thang bộ) giúp giảm căng thẳng và lo lắng, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời đẩy lùi quá trình lão hóa.
Hình minh họa |
Tập thể dục kích hoạt các tế bào trong cơ thể được chỉ định tấn công vi khuẩn. Tuy nhiên, sự kích hoạt này chỉ kéo dài vài giờ sau khi tập thể dục, đó là lý do tại sao tốt nhất nên duy trì hoạt động thể chất thường xuyên.
3. Cười nhiều
Cười rất dễ lây lan cảm xúc tích cực và là một lợi thế. Cười có lợi vì biến cơ hoành của bạn (cơ quan co thắt khi bạn cười) thành một máy bơm mạnh mẽ đưa bạch huyết đi khắp cơ thể.
Bạch huyết là một chất lỏng không màu chứa các tế bào bạch cầu, giúp loại bỏ các chất thải, tế bào chết và các vi sinh vật không mong muốn, giúp tăng cường và cải thiện hệ thống miễn dịch.
4. Chấp nhận sự không hoàn hảo
Có một số người luôn theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, họ muốn mọi thứ phải thành công 100% theo kiểu “khuôn vàng thước ngọc”. Việc theo đuổi sự hoàn hảo sẽ là rất khó khăn và người cuối cùng chịu đau khổ sẽ chính là bạn khi mọi thứ không được như kỳ vọng. Vậy nên hãy hạ tiêu chuẩn xuống và chấp nhận sự tương đối để vui vẻ thảnh thơi hơn.
5. Ngừng so sánh bản thân với người khác
Khi đem bản thân ra so sánh với người tầng trên giỏi giang hơn sẽ thấy mình kém cỏi, tự ti và dễ than thân trách phận. Ngược lại nếu đem so sánh với những người kém hơn dễ bị tự cao, hài lòng với chính mình và ngủ quên trên chiến thắng.
Thật ra bạn chỉ nên so sánh với chính mình để thấy mình đã là một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua và nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày.
6. Tự tin vào khả năng của bản thân
Một số người vì nội lực yếu do đó dễ bị tác động bởi ngoại cảnh và lời nói của những người xung quanh. Khi một ai đó nâng họ lên, khen ngợi họ thì họ vui vẻ, hoan hỷ. Ngược lại khi bị phán xét, đánh giá và trỉ trích lại buồn, tủi thân và nghĩ mình kém cỏi. Mỗi người đều có thể mạnh và ưu điểm riêng vì thế hãy tự tin vào bản thân mình, tự tin mình sẽ làm được và còn làm tốt.
7. Bớt suy diễn, sống đơn giản
Cuộc sống này vốn đơn giản, chỉ có chính chúng ta làm cho nó phức tạp và rối lên vì những lời suy diễn, liên tưởng thiếu căn cứ. Hãy nhìn mọi thứ như nó vốn có đừng cố gắng dán nhãn hay áp đặt cho nó những thông điệp khác. Quá khứ đã qua và tương lai chưa tới sống hiện hữu với hiện tại, trân trọng từng phút giây đang sống thay vì lo lắng về những điều chưa xảy ra hay dằn vặt ám ảnh chuyện quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại.
8. Kiềm chế cảm xúc, ngưng trút bực bội vào người khác
Hãy học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, không phải bất cứ chuyện gì cũng thể hiện ra trên mặt hay viết status tâm trạng lên mạng xã hội. Nếu gặp khó khăn hay chuyện buồn chỉ cần tĩnh tâm và suy nghĩ thì có thể giải quyết được, việc chạy đi hỏi ý kiến khắp nơi chỉ khiến mọi việc rắc rối hơn.
Đừng xả rác vào người khác nữa vì không phải ai cũng đủ bao dung và sẵn sàng nghe bạn than phiền.
9. Biết cách từ chối yêu cầu vô lý
Giúp đỡ người khác là rất tốt, tuy nhiên cái gì cũng nên có giới hạn. Nếu bạn luôn giúp người khác vô điều kiện không những không giúp bạn có được sự coi trọng từ họ. Ngược lại giá trị của bạn trong mắt đối phương bị giảm đi rất nhiều.
Vậy nên trước khi giúp ai đó hãy xem họ có xứng đáng với sự giúp đỡ của bạn không. Và đôi khi bạn nên nhẹ nhàng từ chối để họ tự mình xoay xở giải quyết vấn đề để trưởng thành hơn.
Minh Đức