ACB lên kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25%

10/02/2023 - 23:18
(Bankviet.com) Theo báo cáo cập nhật chuyên gia phân tích của Chứng khoán KB (KBSV), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây đã thông tin về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15% theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng huy động thấp hơn và sát với tín dụng, ước tính đạt 10% so với năm trước.

Về kế hoạch trả cổ tức 2022, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của NHNN.

ACB lên kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25%
Tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức thấp 0,74%, giảm so với 0,78% cuối năm 2021

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng ACB đạt 17.021 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và vượt kế hoạch cả năm (15.000 tỷ đồng).

Nhiều mảng kinh doanh của ACB có tăng trưởng khả quan trong năm 2022. Với danh mục cho vay tập trung vào bán lẻ (cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ), thu nhập lãi thuần của ACB tăng 24% trong năm qua, đạt 23.106 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng khả quan (tăng 31,7%), đạt 3.258 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 20%, đạt 1.047 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh khác (chủ yếu từ thu hồi xử lý rủi ro) tăng tới 309%, đạt 864 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán chứng khoán lại kém khả quan hơn. Trong đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh bị lỗ 48 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 20 tỷ đồng, giảm 91,6% so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động của ACB năm 2022 đạt 28.357 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2021. Chi phí hoạt động cũng tăng 42,8% lên 11.262 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân viên tăng 20% lên 5.821 tỷ, chi cho hoạt động quản lý công vụ tăng tới 91% lên 3.226 tỷ đồng. Như vậy, CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động) tăng từ 35% lên 39,7%. Lãnh đạo ACB cho biết, chi phí tăng là do ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh về chuyển đổi số, công nghệ và con người.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong năm 2022 chỉ ở mức 73 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 3.320 tỷ đồng của năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp ACB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 50%.

Cuối năm 2022, tổng tài sản của ACB đạt 606.960 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,2% lên 410.153 tỷ đồng, ngân hàng tiếp tục không nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Tiền gửi khách hàng tăng 9,3% lên 415.754 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 22,2%.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức thấp 0,74%, giảm so với 0,78% cuối năm 2021 và là năm thứ 7 liên tiếp ở mức dưới 1%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 155%.

Về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), năm 2022, CASA của ACB giảm từ 25,5% xuống 22,3% vào năm 2022 do ngân hàng phải tăng cường huy động tiền gửi có kỳ hạn để cân đối nguồn vốn. Bước sang năm 2023, ACB đặt mục tiêu CASA thuộc top 5, đạt trên 26%.

Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ các khoản vay bất động sản là khoảng 99.300 tỷ đồng, chiếm 24% tổng danh mục cho vay, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 82% tổng danh mục cho vay liên quan bất động sản. Cho vay mua nhà dự án là khoảng 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACB dự kiến vẫn sẽ cho vay bất động sản với khẩu vị rủi ro chặt chẽ.

Băng Di

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán