ACBS chỉ ra hai yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng năm 2022

29/03/2022 - 16:14
(Bankviet.com) Theo ACBS, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ đến từ hai yếu tố là tăng trưởng tín dụng ở mức cao và áp lực trích lập dự phòng không còn lớn như trong năm 2021.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống kể từ nửa cuối năm 2022, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Do đó, lãi suất huy động dự báo có thể tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm % trong năm 2022 để đảm bảo tính thanh khoản.

Về tác động lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng, nhóm chuyên gia dự báo xu hướng tăng trưởng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ tiếp tục, bù đắp cho phần chi phí vốn tăng lên do lãi suất huy động tăng. Vì vậy chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không tăng lên đáng kể và NIM sẽ đi ngang so với năm 2021.

Theo ACBS, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ đến từ hai yếu tố là tăng trưởng tín dụng ở mức cao và áp lực trích lập dự phòng không còn lớn như trong năm 2021.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo đạt 15% trong năm 2022, cao hơn so với mức tăng 13,53% trong năm 2021. Tuy nhiên, yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước sẽ làm hạn chế tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng.

"Các hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư và thu hồi nợ ngoại bảng cũng sẽ tăng trưởng tích cực khi các hoạt động xã hội phục hồi sau giai đoạn giãn cách", báo cáo cho hay.

(Nguồn: BCTC các ngân hàng, ACBS)

Trong khi đó, nhóm phân tích kỳ vọng chi phí dự phòng năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại kể từ quý IV/21 giúp tình hình tài chính của khách hàng hồi phục. Từ đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng sẽ được cải thiện và giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2022.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 không tăng lên trong năm 2021 nhưng nợ tái cơ cấu do COVID-19 đã tăng trở lại kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát vào quý III/2021.

Mặc dù vậy, các ngân hàng đã trích lập dự phòng cao hơn mức quy định tối thiểu (30%) cho các khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021.

Trong đó, một số ngân hàng như VietinBank, MB và ACB đã trích lập dự phòng gần như toàn bộ cho số nợ tái cơ cấu. Do đó, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợtái cơ cấu này sẽ giảm đi đáng kể trong năm 2022.

Phương Thảo

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán