ACBS: Tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng, tuy nhiên sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2025

21/02/2025 - 19:02
(Bankviet.com) Theo ACBS, tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng vào cuối quý I, thời điểm nhiều doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc chốt năm tài chính. Tuy nhiên, áp lực này sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm 1-2 lần lãi suất hoặc thương chiến có dấu hiệu lắng dịu.

Theo báo cáo mới nhất từ Chứng khoán ACB (ACBS), định giá P/E của VN-Index hiện giảm xuống mức 13,x lần sau khi có kết quả kinh doanh quý IV/2024, trong đó P/E của nhóm VN30 ở mức 12,x lần. Các nhóm ngành trụ cột như ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán vẫn đang giao dịch ở vùng định giá thấp so với năm trước, dù lợi nhuận duy trì ổn định. Đáng chú ý, ngành ngân hàng – trụ cột lớn nhất của VN-Index – được dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ trong quý I/2025.

Bên cạnh đó, ACBS đánh giá tích cực về triển vọng của các nhóm ngành bất động sản công nghiệp, xây dựng hạ tầng, cảng biển và vận tải biển trong năm 2025. Những lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường.

ACBS: Tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng, tuy nhiên sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2025
Nguồn: ACBS, Fiinpro

Trong ngắn hạn, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.220 – 1.300 điểm, song triển vọng 2025 vẫn rất tích cực. ACBS dự báo chỉ số sẽ chinh phục mốc 1.300 điểm trong ngắn hạn và có thể tiến xa hơn đến 1.420 – 1.450 điểm trong năm nay, đặc biệt khi thị trường tiệm cận các tiêu chí nâng hạng.

Trước bối cảnh thị trường tiềm năng nhưng vẫn có biến động ngắn hạn, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu chiến lược, đặc biệt là những nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2025.

Về yếu tố kinh tế vĩ mô, "Thương chiến 2.0" đang là tâm điểm của thị trường khi Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại. Ngày 2/2, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc. Mức thuế 10% với Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 4/2, trong khi thuế 25% đối với Mexico và Canada được tạm hoãn một tháng sau khi hai nước đạt thỏa thuận với Mỹ.

Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng loạt sản phẩm nông sản, công nghệ và ô tô nhập khẩu từ Mỹ, khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Mỹ tiếp tục tăng áp lực khi công bố thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước, và dự kiến sẽ nhắm đến các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong thời gian tới.

Dù thương chiến có thể tác động gián tiếp đến Việt Nam, ACBS kỳ vọng ảnh hưởng sẽ không quá nghiêm trọng, nhờ vào chính sách đối ngoại linh hoạt của Chính phủ và lợi thế địa lý của Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là rủi ro cần theo dõi sát sao trong năm 2025, đặc biệt nếu xung đột thương mại diễn biến tiêu cực hơn dự báo.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu. Sau Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND đang tăng trở lại do chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền chuyển sang dương, cộng với tác động từ thương chiến.

Theo ACBS, tỷ giá có thể tiếp tục căng thẳng vào cuối quý I, thời điểm nhiều doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc chốt năm tài chính. Tuy nhiên, áp lực này sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm 1-2 lần lãi suất hoặc thương chiến có dấu hiệu lắng dịu.

Đầu tư theo Sharpe Ratio: Chiến lược giúp cân bằng lợi nhuận và rủi ro

Mirae Asset xây dựng danh mục đầu tư tối ưu theo Sharpe Ratio, tập trung vào cổ phiếu ngân hàng, xuất khẩu và bất động ...

Chứng khoán tăng mạnh, chuyên gia chỉ ra tín hiệu quan trọng giúp cải thiện tâm lý NĐT và dòng tiền

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khởi sắc khi VN-Index bứt phá mạnh, tiến sát mốc 1.300 điểm. Chuyên gia cho rằng, VN-Index ...

Vì sao các quỹ mở "lãi đậm", nhà đầu tư cá nhân lại chưa thể “về bờ”?

Trong những năm qua, bất chấp những biến động thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư được quản lý một cách chuyên nghiệp vẫn ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán