Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Vũ Thị Thu Trang, công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank.
18 tuổi tôi bay bổng với ước mơ học tài chính ngân hàng, được làm việc như Mẹ tôi. Không phải ở những tòa nhà cao tầng nơi phố thị phồn hoa, nơi có góc café đầy lãng mạn như trong những câu chuyện ngôn tình mà tôi hay đọc với những con phố nhộn nhịp xa hoa.
Tôi muốn trở về nơi tôi sinh ra, quê hương tôi đẹp, đẹp như vần thơ mà người thầy giáo năm xưa đã gieo vào lòng tôi nhẹ nhàng như lời ru: “Quê hương là cây đa, bến nước, sân đình, là con đò, xóm chợ, là nhịp cầu tre lắt lẻo qua sông, là lời ru ầu ơ của bà của mẹ...’’. Có lẽ vì thế mà hai chữ quê hương vẫn khiến tôi nặng lòng nhiều.
Tuổi thơ tôi là mùa xuân hai bên bờ sông hoa dành dành nở trắng, thảm cỏ xanh mơn mởn, hương hoa đồng nội thanh khiết đến lạ kỳ.
Tôi sống với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và ước mơ như thế bước vào ngành. Với tấm bằng đại học trong tay tôi hăm hở nghĩ mình có thể bắt đầu với những kiến thức đã học trên giảng đường, mở cân dối với những “nợ - có” đầy chuyên nghiệp.
Nhưng khi đối mặt với công việc, kiến thức thực tế kéo tôi về "số mode", việc của tôi bắt đầu là một số việc mà “lính mới ” phải học qua: Nào là đánh số chứng từ, đóng tập chứng từ, phân loại tiền, đóng dấu, chạy tới chạy lui các phòng nghiệp vụ xin chữ ký…
Sau 2 tháng thử việc tôi bước vào việc chính thức đến nay đã được 9 năm. Tôi đã về đúng con đường ngày xưa hoa dành dành nở trắng, về quê hương ấy để cống hiến và tiếp tục ước mơ. Chín năm ấy trải qua các nhiệm vụ khác nhau.
Khi là giao dịch viên ngồi giao dịch với bà con quê mình, nhận từ tay họ những đồng tiền mồ hôi nước mắt, của bác nông dân khi bán đi lứa lợn con bò, của chị chủ hàng tạp hóa hay của chị hàng xén chạy chợ quê. Mới thấy trân trọng công sức lao động để làm ra những đồng tiền mà qua ngân hàng chúng thành dòng chảy lưu thông, luân chuyển từ đó mà sinh sôi nảy nở.
Làm bank ở quê chắc lẽ từ “quê” mà tôi hay gọi nó vẫn thuần khiết như vậy. Không ngôn từ khuôn mẫu mà chỉ cần nhìn thấy bác A, cô B là tôi đã biết họ đến làm dịch vụ gì, thuộc cả tài khoản đến quen cả chữ ký của họ. “Bác A ơi, bác lại đến lấy tiền con trai bác chuyển về ạ. Năm nay dịch bệnh anh ấy làm ăn có tốt không?”. Có người còn gửi ngô làm quà, gửi quả ổi vườn nhà để cảm ơn. Đấy làm bank ở quê giản dị như vậy đấy!
Tuy nhiên, áp lực ở vị trí giao dịch viên cũng không hề nhỏ, nhiều khi tôi phải đối diện với rất nhiều công việc một lúc, có khi là chỗ trút giận của khách hàng khi họ không vừa ý, có khi vừa xử lý số liệu vừa giao tiếp với khách hàng cùng đồng thời xử lý các vấn đề nội bộ khác.
Thời gian cao điểm nhất có thể kể đến dịp cuối năm khi khách hàng giao dịch rất đông, cây ATM lỗi tôi ngập đầu trong các con số, số thẻ, mã lỗi kiên trì nhẫn nại giải thích với khách hàng khi họ gặp các sự cố khi rút tiền. Nhiều khi không biết mình có phải một cỗ máy không?. 30 Tết khi dòng người tập nập đi bên ngoài, họ đi mua sắm, du xuân, hối hả để trở về còn tôi vẫn lặng lẽ chấm từng giao dịch chưa được hạch toán trên hệ thống, kiểm tra giao dịch lỗi. Tết có vui vẻ không chính là do ca trực tết cuối cùng của năm này.
Chuyển sang một mảng khác của công việc với nhiệm vụ là người quan hệ khách hàng. Công việc này phần lớn thời gian chúng tôi dành cho việc đi thẩm định mà ở đây gọi dân dã là “đi xã ”. Làm bank Nông Nghiệp mối quan hệ giữa ngân hàng và các tố chức hội rất khăng khít.
Tôi nhớ có lần qua nhà bác tổ trưởng tổ vay vốn ở địa phương, bác hồ hởi mời tôi vào nhà như đón con cháu ở xa mới về không quên dúi vào tay tôi chúm cóc chín... Câu chuyện vừa mới bắt đầu thì sấm chớp ì ùng, cơn mưa rào ập đến 2 bác cháu hớt hải “chạy” cả sân thóc to đùng.
Cũng từ những lần “đi xã” ấy tôi đã được chứng kiến nỗi thất vọng của người dân quê tôi khi cả đàn lợn chết vị dịch bệnh, tiếng thở dài bất lực khi vài hecta bắp cải vào vụ bị thị trường chối bỏ vì dịch COVID xảy ra.
Tôi nhớ mãi ánh mắt ấy của chị Huyền người nông dân chân lấm tay bùn đã trở thành Giám đốc của công ty chuyên xuất khẩu nông sản sạch trước thông tin dịch bệnh không thể xuất được hàng. Có ánh mắt nào chua xót đến vậy, chứa chan mà không thể khóc nổi. Vẫn biết nông nghiệp còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài nhưng tôi vẫn thương thương những người dân quê tôi, thương đồng vốn ngân hàng cần mẫn và tận tụy.
Với tôn chỉ của ngành với ước mong mở những con đường rộng cho tam nông phát triển, con đường ấy luôn có sự đồng hành của chúng tôi những chiến sĩ Nông nghiệp cùng cứu lấy bắp cải, su hào, cứu nông sản và cứu đồng bào quê hương...
Chín năm trong ngành chưa khi nào tôi thấy thấm thía như thế khi được lắng nghe tiếng nói của quê hương, của những vất vả mà người dân quê tôi đang chịu đựng. Từ đó hăng say hơn với mong ước “Mang phồn thịnh đến khách hàng”.
Tôi nhớ câu nói của chú Xa – vị khách hàng quen thuộc: “Tôi đã gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp từ khi bắt đầu, tôi nghĩ mình như con đẻ của ngân hàng. Vì vậy mong ngân hàng tiếp tục hỗ trợ chúng tôi”.
Vâng chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với nông dân, nông thôn, nông nghiệp để xây tiếp những công trình, kiến thiết cho quê hương, thả những con trâu sắt ra đồng cấy cày những mùa vàng bội thu, chắp cánh cho nông sản vươn xa hơn nữa. Mời bạn về thăm quê tôi qua câu hát:
“Nhắn gửi người thương khi đi xa luôn nhớ Hải Ɗương
Ɲhớ nơi đâу, thiêng đất trời
Đẹp ngàn năm non nước tuуệt vời
Tự hào thaу một Việt Ɲam
Đâу Ϲôn Ѕơn Kiếp Ɓạc còn vang
Ống khói vươn cao đâу nhà máу điện
Ɲhững chuуến xi măng rộn ràng dâу chuуền
Hoàng Thạch ơi những bàn taу vươn tới bao công trình dựng xâу".
VŨ THỊ THU TRANG
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ