Tuần qua (11-15/12/2023), hai chỉ số thị trường đã quay lại giảm điểm sau hai tuần tăng điểm trước đó. Cụ thể, VN-Index giảm 1,97% so với cuối tuần giao dịch trước, về mức 1.102,3 điểm. HNX-Index giảm 1,81%, kết thúc tuần ở mức 227,02 điểm. Cùng với đà giảm điểm, thanh khoản trên hai sàn tuần này đều giảm mạnh so với tuần giao dịch trước. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên giảm 27%, còn hơn 724,2 triệu cp/phiên. Còn ở HNX, thanh khoản trung bình giảm 31%, còn hơn 88,5 triệu cp/phiên.
Tuần qua 11-15/12/2023, hai chỉ số thị trường đã quay lại giảm điểm sau hai tuần tăng điểm trước đó |
Về mức độ đóng góp, nguyên nhân chính khiến VN-Index quay lại đà giảm tuần qua thuộc về "anh cả" ngành ngân hàng - VCB đã lấy đi gần 3,8 điểm của chỉ số. Kết phiên 15/12, giá cổ phiếu VCB giảm 2,6% còn 82.200 đồng/cp, là mức giá thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây của nhà băng này.
Không chỉ có VCB, nhóm ngân hàng còn có 3 đại diện là VPB, BID và STB nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực nhất. Số cổ phiếu này kéo giảm hơn 2,8 điểm của chỉ số, trong đó VPB là cổ phiếu tiêu cực thứ hai cả sàn - lấy mất gần 1,8 điểm của chỉ số.
Thông tin về VPB, Ngân hàng này đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ về các vấn đề như phương án cơ cấu lại VPBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 cũng như bổ sung Điều lệ và một số nội dung giao/ủy quyền cho HĐQT. Thời gian chậm nhất để cổ đông gửi lại Phiếu lấy ý kiến chậm nhất là 17h ngày 25/12/2023.
Phía bên kia, 2 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có biểu hiện tích cực nhất là ACB và HDB, tuy nhiên, kéo tăng chỉ 0,3-0,2 điểm mỗi mã.
Ngoài nhóm ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số còn có những cổ phiếu có vốn hóa lớn từ nhiều nhóm ngành như thép HPG kéo giảm gần 1,3 điểm - cao thứ ba toàn sàn; thực phẩm MSN gần 1,1 điểm; năng lượng GAS và đồ uống SAB gần 0,9 điểm mỗi mã; bất động sản BCM khoảng 0,8 điểm; bán lẻ MWG xấp xỉ 0,7 điểm.
Ở chiều ngược lại, đại diện cổ phiếu họ Vingroup - VIC trở thành trụ đỡ chính cho VN-Index trong tuần qua, nhưng chỉ giúp tăng hơn 0,7 điểm, xếp ngay sau là “ông lớn” công nghệ FPT mang về hơn 0,6 điểm.
Tuần qua, sắc đỏ quay lại chiếm thế độc tôn tại rổ VN30 khi có đến 25 cổ phiếu kéo giảm, còn lại chỉ có 5 cổ phiếu thuộc nhóm kéo tăng.
Dẫn đầu nhóm kéo giảm là VPB lấy đi gần 4,3 điểm, tiếp theo là HPG khoảng 2,9 điểm; STB gần 2,1 điểm... Chiều ngược lại, FPT là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất mang về hơn 2,2 điểm, xếp sau là ACB kéo tăng gần 1,2 điểm; VIC xấp xỉ 0,9 điểm...
Trên HNX-Index, một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số giảm điểm trở lại trong tuần qua là HUT làm mất gần 1 điểm; PVS xếp sau kéo giảm gần 0,5 điểm. Ở bên kia, cổ phiếu MBS dẫn đầu nhóm kéo tăng nhưng chỉ với 0,2 điểm.
Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SHS đánh giá thị trường ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh, kỳ vọng hướng tới vùng cản ngắn hạn 1.150 điểm nếu VN-Index tăng điểm trở lại và kiểm tra mức hỗ trợ 1.100 điểm thành công.
"Nhà đầu tư ngắn hạn trong trường hợp này vẫn có thể giải ngân với tỉ trọng thấp bởi nhịp hồi phục nếu có diễn ra cũng sẽ khó dự báo và có thể kết thúc bất kỳ lúc nào. Trong trung, dài hạn, thị trường dù mất xu hướng tăng nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể xem xét giải ngân trong các giai đoạn giảm điểm, mục tiêu nên hướng tới các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới và đang vận động trong trạng thái tích lũy" - SHS cho biết.
Chứng khoán VCBS đánh giá về mặt kỹ thuật xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã ở vùng quá bán cho thấy xác suất cao thị trường sẽ có những phiên bật nảy phục hồi trở lại trong tuần tới. Bên cạnh đó, ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo nêu trên mới chỉ tạo 1 đỉnh cho thấy đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng dài hạn.
Do đó VCBS cho rằng nhà đầu tư vẫn cần giữ vững tâm lý. Duy trì tỉ trọng những cổ phiếu vẫn đang giữ được vùng hỗ trợ ngắn hạn, không hoảng loạn bán đuổi trong những phiên rung lắc mạnh. Những phiên giảm điểm mạnh sẽ là cơ hội tốt để giải ngân từng phần đối với những cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn.
Phe bán áp đảo, VN-Index tiếp đà giảm, mốc 1.100 điểm bị đe dọa Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường ghi nhận diễn biến tương đối tiêu cực khi giảm điểm với thanh khoản ngang múc trung ... |
Thanh khoản dòng tiền cá mập nhỏ giọt, VN-Index suýt "trượt chân" khỏi vùng 1.100 điểm Diễn biến ngày giao dịch cuối tuần 15/12, thanh khoản dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức thấp, đè nặng lên chỉ số VN-Index. ... |
Thanh khoản giao dịch nước ngoài đột biến, khối ngoại "xả hàng" mạnh thứ 3 trong năm Tính từ đầu năm 2023, vào ngày 13/1, khối ngoại bán ròng 3.000 tỷ đồng; ngày 7/7 bán ròng 1.400 tỷ đồng; ngày 11/9 bán ... |
Nguyên Nam