Gói 30 biện pháp bao gồm nới lỏng quy định yêu cầu các ngân hàng tách bạch hoạt động bán lẻ khỏi mảng đầu tư. Biện pháp này - lần đầu tiên được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - sẽ không áp dụng cho các ngân hàng tập trung vào bán lẻ.
Chính phủ cũng xác nhận sẽ xem xét các quy định xung quanh trách nhiệm giải trình của các giám đốc tài chính cấp cao - một quy định khác có sau năm 2008. Chế độ quản lý cấp cao (The Senior Managers Regime), được áp dụng năm 2016, theo đó các cá nhân tại các công ty được quản lý có thể phải đối mặt với các hình phạt đối với hành vi ứng xử, văn hóa công sở hoặc ra quyết định yếu kém.
Những thay đổi được công bố trong gói, được đặt tên là Cải cách Edinburgh, cũng bao gồm việc xem xét các quy tắc về bán khống, cách thức các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, bảng cân đối kế toán của các công ty bảo hiểm và Quỹ ủy thác đầu tư bất động sản.
Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết, ông muốn đảm bảo vị thế của Vương quốc Anh là “một trong những trung tâm dịch vụ tài chính cởi mở, năng động và cạnh tranh nhất trên thế giới”.
Ông nói trong một tuyên bố: “Những cải cách ở Edinburgh nắm bắt các quyền tự do Brexit để đưa ra một chế độ điều tiết nhanh nhậy, vì lợi ích của người dân Anh và các doanh nghiệp”.
“Và chúng tôi sẽ tiến xa hơn – thực hiện cải cách các luật lệ nặng nề của EU, vốn cản trở sự tăng trưởng trong các ngành khác như công nghệ kỹ thuật số và khoa học đời sống.”
Chính phủ đang lập kế hoạch cho các cải cách như một cách để tận dụng các quyền tự do do Brexit mang lại, tuyên bố rằng hàng trăm trang luật của EU điều chỉnh các dịch vụ tài chính sẽ được thay thế hoặc loại bỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Anh rời EU đã làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh tài chính của đất nước này. Reuters đã đưa tin mỗi ngày London mất hàng tỷ Euro các giao dịch chứng khoán và các công cụ phái sinh cho các sàn giao dịch của EU sau khi rời khỏi khối. Các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London cho biết hồi đầu năm nay rằng dịch vụ tài chính sẽ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Brexit.
Tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Vương quốc Anh cũng trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ, với dự báo quốc gia này đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái kéo dài.
Việc loại bỏ giới hạn trần đối với tiền thưởng của các chủ ngân hàng đã được công bố trước đây là một trong số ít chính sách được người tiền nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, Kwasi Kwarteng công bố, vẫn còn tồn tại sau chương trình “ngân sách nhỏ” hỗn loạn của ông này.
Ông Kwarteng đã hứa hẹn về một “vụ nổ lớn thứ 2”, đề cập đến việc bãi bỏ quy định của Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn vào những năm 1980, điều này đã thu hút một loạt các ngân hàng và công ty đầu tư toàn cầu đến Anh và nhanh chóng nâng tầm London với tư cách là thành phố tài chính của thế giới.
Tuy nhiên, John Vickers, cựu Chủ tịch Ủy ban Độc lập về Ngân hàng, đã cảnh báo trong một bức thư gửi cho Financial Times tuần này rằng, “sự ưu ái đặc biệt đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính… có thể gây bất lợi cho chính khu vực này, như tất cả chúng ta đã thấy 15 năm trước .”
Tulip Siddiq, Nghị sĩ của đảng Lao động đối lập, đã gọi những cải cách được đề xuất là một “cuộc đua xuống đáy”.
Kay Swinburne, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ tài chính của KPMG Vương quốc Anh, nói với CNBC trong một bình luận gửi qua email rằng, các cải cách là “một bước gần hơn để đưa ra quy định hiệu quả hơn chứ không phải là một cuộc chạy đua xuống đáy.”
“Mặc dù phần lớn các cải cách này đã được thực hiện trước đây, nhưng chúng thể hiện một bước hướng tới khả năng cạnh tranh trong tương lai và sự phát triển dài hạn của ngành dịch vụ tài chính ở Anh trong khi vẫn tìm cách duy trì các tiêu chuẩn.”
V.A