Áp lực từ đồng CNY

02/08/2024 - 15:51
(Bankviet.com) Trung Quốc là đối tác xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam. Vì vậy, diễn biến của đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng tác động tới VND và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thống kê của Shinhan Bank ghi nhận đến hết tháng 1/2024, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 18%, trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc là 32%.

viet-trung.jpg
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2024 sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. (Nguồn: Bộ Công Thương; Đơn vị tính: tỷ USD)

Biến động của đồng CNY

Với tỷ giá thị trường USD/CNY tiệm cận mức giá trần, dự báo kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh còn cần thời gian, tỷ giá USD/CNY dự báo sẽ ở mức 7,20 - 7,34 vào cuối năm nay, theo Shinhan Bank dự báo. Và với xu hướng CNY vẫn suy yếu thì các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Trung Quốc sẽ hưởng lợi, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Trung Quốc sẽ gặp bất lợi.

Gần nhất, ngày 22/7, một biến động đáng chú ý trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thông báo sẽ cắt giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7%; đồng thời cải thiện cơ chế hoạt động thị trường mở. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh GDP quý II của nước này tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,1% được dự báo trước đó, và Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Trung Quốc đã kêu gọi “tăng cường hơn nữa các biện pháp kinh tế” và “đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”.

Ngay sau thông báo, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm được PBoC ấn định giảm xuống 3,35%/năm, từ mức 3,45%/năm trước đó, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm giảm xuống 3,85%/năm, từ mức 3,95%/năm. PBoC một lần nữa cho thấy quyết tâm nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng, từ kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất và theo đó chênh lệch lãi suất USD-CNY sẽ giảm xuống, giảm áp lực lên dòng vốn chảy ra khỏi thị trường và kỳ vọng giữ được tỷ giá USD/CNY trong khoảng dự kiến.

Tác động tới ngành du lịch

Theo ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trườngKinh tế Toàn cầu, UOB, không giống như nhiều quốc gia khác đang vật lộn với giá cả tăng cao, Trung Quốc phải đối mặt với giảm phát. Điều đó đặt ra một loạt vấn đề mới vì nó cho thấy nhu cầu tín dụng yếu và niềm tin của người tiêu dùng yếu.

xinhua-cny.jpg
Nhu cầu tín dụng, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc tác động đến tăng trưởng, trong bối cảnh suy giảm giá đồng Nhân dân tệ. Nhiều doanh nghiệp Việt nam đặc biệt nhóm giao thương xuất khẩu hay phụ thuộc khách hàng tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng tỷ giá

Vậy điều này tác động như thế nào đến Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực du lịch? Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam, cho biết tổng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông là nguồn động lực tăng trưởng chính, chiếm gần một nửa số lượt đặt chỗ đến các điểm đến toàn Việt Nam trên Klook. Thu nhập và năng lực chi tiêu của khách du lịch từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan rõ ràng đang và sẽ rất quan trọng đối với ngành du lịch cũng như các ngành liên quan khác của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm hàng không, nhóm landtour (dịch vụ mặt đất) như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tiêu dùng, ăn uống, vận chuyển…

Một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ, về nguyên lý chung khi đồng CNY mất giá thì số lượng người Trung Quốc có thu nhập khá và trung bình có thể sẽ đi du lịch ít hơn, họ cũng thắt chặt chi tiêu hơn khi đi du lịch, và như vậy thị trường inbound sẽ bị thiệt hại. Ông này cũng cho rằng trước đó, do hệ quả COVID-19 để lại nên sự phục hồi của khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chưa được như trước dịch (năm 2019, khách Trung Quốc đạt 5,8 triệu lượt, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế). Đáng nói là khách du lịch Trung Quốc cũng thuộc nhóm chi tiêu cao (hơn 1.000 USD/chuyến đi), cao hơn Nhật, Hàn và nhóm Đông Bắc Á nói chung. Do đó, sự thắt chặt chi tiêu của các khách hàng này tác động đến các ngành dịch vụ liên quan du lịch trong nước.

Lưu ý với những ngành xuất nhập khẩu

Đối với những ngành có tỷ trọng xuất, nhập khẩu cao từ Trung Quốc, tác động có lợi hay bất lợi từ biến động đồng USD theo các chuyên gia, đều khá trực tiếp. Chẳng hạn, cao su là một trong ngành có thị trường tiêu thụ phụ thuộc Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục khó khăn, trong khi nhóm ngành thép với việc nhập HRC giá rẻ sẽ có triển vọng tốt. Song lưu ý nhóm ngành thép cũng đang chịu ảnh hưởng cạnh tranh từ hàng giá rẻ Trung Quốc ngay trên sân nhà nội địa. Một chuyên gia nhấn mạnh khi CNY giảm giá, không chỉ thép mà các hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đều rẻ đáng kể, và điều này có thể làm tăng nhập siêu, nhất là nhập khẩu qua biên giới tăng mạnh trong thời gian tới.

Dĩ nhiên, Trung Quốc với hàng hóa xuất khẩu tràn ngập thị trường toàn cầu, sẽ không chỉ gây tác động từ giảm giá CNY tới một vài quốc gia mà sẽ ảnh hưởng làm giảm giá thêm nhiều đồng tiền khác, đặc biệt ở các quốc gia có quan hệ giao thương lớn cùng khu vực. Điều này càng làm tăng thêm áp lực đối với nhập siêu và VND của Việt Nam.

Vì vậy, mở rộng đầu ra cho hàng hóa ra ngoài thị trường Trung Quốc là một hướng đi được khuyến nghị cho cả triển vọng trung và dài hạn, không chỉ để tránh bất lợi tỷ giá. Một khảo sát của UOB cho thấy có tới 66% doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư mở rộng thị trường ở ASEAN (thị trường Trung Quốc là 40%) trong 2023; còn tỷ lệ dự kiến mở rộng ở ASEAN và Trung Quốc trong 3 năm tới lần lượt là 69% và 37%. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan cho thấy doanh nghiệp đang có chiến lược đa dạng hóa, tránh sự lệ thuộc vào một thị trường lớn.

Lê Mỹ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ