Tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP, xuất khẩu thủy sản qua Australia tăng trưởng mạnh Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới ngày 15/2/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 23 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Australia là thị trường đơn lẻ lớn thứ năm về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 7,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Australia là thị trường đơn lẻ lớn thứ năm về nhập khẩu tôm của Việt Nam |
Trong 5 năm (2019-2022), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục từ 127 triệu USD năm 2019 lên 272 triệu USD năm 2022 với tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 3,7% năm 2019 lên 6,3% năm 2022.
Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang Australia, chiếm 95%, tôm sú chiếm tỷ trọng nhỏ 0,2%, còn lại là tôm loại khác chiếm 4,8%.
Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Australia, tôm chế biến giá trị gia tăng (mã HS 16) chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm sang thị trường này. Các sản phẩm tôm chế biến xuất đi thị trường này chủ yếu như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt 233 triệu USD, giảm 14% so với năm trước đó. Mức sụt giảm 14% trong xuất khẩu tôm sang Australia vẫn thấp hơn so với các thị trường chính khác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Canada...
Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Australia nằm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu tôm sang các thị trường. Australia cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát tăng cao khiến sức mua suy giảm.
Theo VASEP, dù chỉ là thị trường tiêu thụ tôm đứng thứ 5 của Việt Nam nhưng Australia được coi là thị trường tiềm năng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ tôm chế biến của thị trường này ngày một cao. Trong khi trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.
Tập trung phát huy được thế mạnh của mình, doanh nghiệp sẽ thành công ở các thị trường tiêu thụ lớn trong đó có Australia.
Theo ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta – chia sẻ, nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế.
Vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần.
Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Australia không ngừng phát triển, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại đã có bước phát triển vượt bậc.
Australia hiện là 1 trong 7 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm: FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Mặc dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng và cởi mở với hàng hóa nhập khẩu.
Tuy có nhiều thuận lợi, song Australia cũng là thị trường khó tính với hệ thống quy định tiêu chuẩn chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Do vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch kinh doanh dài hơi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia.
Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia và chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào những ngày đầu tháng 3 này, 2 ngài Thủ tướng của 2 nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam -Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện, tương đương với quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Hai bên sẽ thúc đẩy các biện pháp tiếp cận thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho cả hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Bên lề Hội nghị, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư giữa hai nước.
Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ giúp hai Bên tạo cơ chế hợp tác một cách ổn định, bền vững và bài bản; từ đó thiết lập kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia nói riêng, từ đó tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia nói chung.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, năm 2024 để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Australia, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Australia trong quá trình cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Australia; những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực, sức cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá Việt Nam sang thị trường Australia.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần này, Australia cũng công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á, dành 1,3 tỷ USD để thúc đẩy thương mại tại khu vực có nền kinh tế đang lên này.
Với những thông tin tích cực trong quan hệ hợp tác giữa 2 bên, tình hình kinh tế đang tốt dần, kỳ vọng xuất khẩu tôm sang thị trường Australia trong năm 2024 sẽ đạt được những kết quả khả quan.
Nguyễn Hạnh