Minh bạch thông tin, tăng cường tiết kiệm điện
Trước dự báo thiếu điện trong cao điểm mùa nắng nóng năm 2023, ngay từ đầu năm Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo các tập đoàn năng lượng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN; Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản- TKV) và các doanh nghiệp ngành điện quyết liệt thực thi nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và tin cậy, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp về đảm bảo cung cấp điện (Ảnh: Cấn Dũng) |
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị số 20 ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 20), góp phần bảo đảm cung cấp điện, duy trì ổn định an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Theo đó, ngay sau khi tình trạng cắt điện bắt đầu diễn ra ở một vài địa phương, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho hàng chục phóng viên các cơ quan truyền thông đến các hồ thủy điện lớn tại khu vực miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Thác Bà… đồng thời cung cấp hình ảnh mực nước tại các hồ thủy điện cả ở khu vực Bắc, Trung, Nam cũng như diễn biến mực nước các hồ thủy điện hàng ngày.
Sau khi đi thực tế, hàng trăm bài báo, tin truyền hình đã được đăng tải rộng khắp trên các loại hình báo chí: Báo in, điện tử, truyền hình, phát thanh, truyền hình online… về tình hình sản xuất điện của các nhà máy thủy điện lớn tại miền Bắc - đây là các nhà máy có sản lượng điện lớn và có vai trò điều tần, điều áp cho hệ thống điện quốc gia.
Hình ảnh những lòng hồ khô cạn là điều người dân được chứng kiến hàng ngày, hàng giờ trong suốt tháng 5 và 6/2023. Đồng thời, hàng ngày Cục Điều tiết Điện lực sẽ tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất điện, tình trạng hoạt động, bảo dưỡng, sửa chữa của các tổ máy tại các nhà máy nhiệt điện, diễn biến mực nước về các hồ thủy điện trên toàn quốc đặc biệt là khu vực phía Bắc… để thông tin kịp thời đến người dân và xã hội được biết thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông.
Với vai trò là đầu mối hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin báo chí về tình hình hoạt động của ngành, Báo Công Thương đã kết nối với hơn 100 thành viên là các phóng viên, biên tập viên của hàng chục cơ quan báo chí Trung ương và địa phương qua đó các báo cáo được các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương liên quan đến tình hình sản xuất điện, cấp điện đều được cung cấp kịp thời cho các cơ quan truyền thông.
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các phóng viên đến các nhà máy thủy điện tại khu vực phía Bắc để có cái nhìn khách quan về tình hình cấp điện (Ảnh chụp ngày 13/6/2023 tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình: Thu Hường) |
Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, Báo Công Thương cũng đã có hàng trăm bài viết, bản tin về tình hình sản xuất và cung ứng điện hàng ngày, công tác thực thi chỉ đạo của Thủ tướng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng diễn ra trên cả nước.
Chỗ nào, ở đâu, đơn vị nào lãng phí, hay làm tốt đều được Báo Công Thương phản ánh kịp thời, qua đó góp phần vào việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp với đất nước trong thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp báo nhằm kịp thời cung cấp thông tin về tình hình cấp điện cùng những khó khăn và thách thức đang đặt ra cho ngành điện. Qua các buổi họp báo, mọi câu hỏi, vấn đề các cơ quan báo chí nêu ra đã được lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng liên quan giải đáp cặn kẽ.
Liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa được EVN chấp thuận hòa lưới điện quốc gia, trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều ngày 1/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận có sự lãng phí nếu các dự án đã đầu tư mà không được khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn cho biết, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đã chạy đua thời gian để hưởng giá FIT, bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.
“Để không lãng phí, không bị xem là hợp thức hoá cái sai, thậm chí vi phạm pháp luật, rất cần chủ trương của các cấp có thẩm quyền, nỗ lực của chủ đầu tư và sự vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng nêu và đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương và cơ chế tháo gỡ, để có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề, tránh lãng phí nguồn lực và hài hòa lợi ích.
Trước đó, Bộ Công Thương, EVN cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị với chủ đầu tư các dự án để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện... Các quy trình, thủ tục theo quy định cũng đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư.
Trên tinh thần tích cực triển khai thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực, tập trung cao cho việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sớm phát điện lên lưới nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Nhận thấy đây là vấn đề được theo dõi không chỉ đối với các nhà đầu tư mà cũng được dư luận hết sức quan tâm; với tinh thần công khai, minh bạch, EVN đã đăng tải công khai và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình thủ tục thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trên trang thông tin điện tử của tập đoàn.
Việc minh bạch thông tin đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, gây hấn, kích động của các thế lực thù địch. Nhờ đó người dân và doanh nghiệp đã hiểu, cảm thông và chia sẻ với ngành điện.
Cùng với việc cung cấp thông tin kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí đi thực tế tại các nhà máy sản xuất điện, công tác tiết kiệm là giải pháp quan trọng và then chốt được Bộ Công Thương và EVN triển khai.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 vào ngày 22/5/2023 tại trụ sở của EVN. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm, cam kết đồng hành với ngành điện với Chính phủ trong triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Cao điểm mùa khô 2023 công nhân EVNHANOI sau giờ làm việc đã bắc loa đi từng ngõ phố để tuyên truyền tiết kiệm điện (Ảnh: Đắc Cường) |
Ngay sau khi Chỉ thị số 20 được ban hành, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có những văn bản chỉ đạo các cơ sở sử dụng năng lượng, doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong mùa nắng nóng cao điểm 2023, Bộ Công Thương đã đồng loạt triển khai đoàn thanh kiểm tra chuyên ngành việc thực thi Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ tại một loạt các địa phương, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm khu vực phía Bắc.
Nghiêm khắc đánh giá trách nhiệm; tiếp tục nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng
Tình trạng thiếu điện đã được khắc phục, nhưng với trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn Thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đoàn Thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than.
Trước đó, trong vai trò quản lý nhà nước, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc cung ứng điện của năm 2023 như biểu đồ cung cấp than, dầu, khí cho sản xuất điện và kế hoạch cung ứng điện.
Tư lệnh ngành Công Thương đã từng cho rằng, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời. “Việc thành lập Đoàn Thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng là để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đoàn Thanh tra chuyên ngành Bộ Công Thương đã tập trung vào các vấn đề như: Việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng, vấn đề truyền tải điện, thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Trong những ngày cao điểm mùa khô 2023, tình trạng lưới điện quá tải thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi (Ảnh: Đắc Cường) |
Đối với EVN, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, cũng đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm trong 23 ngày thiếu điện ở miền Bắc. Mặc dù hiện EVN chỉ nắm gần 38% nguồn cung trên thị trường, không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước.
EVN đã yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tính toán, dự báo nhu cầu; huy động tổ máy; điều tiết, điều độ, vận hành hệ thống điện; điều hành thị trường điện.
Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) được giao kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; giám sát việc thực hiện hợp đồng; thanh toán tiền điện.
EVN yêu cầu Ban quản lý các dự án điện 1, 2, 3 kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện.
Trung tâm dịch vụ sửa chữa (EVNPSC) và các công ty/nhà máy điện trực thuộc EVN kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến quản lý, vận hành tối ưu tổ máy; việc báo cáo, đề xuất cơ chế huy động tổ máy; chấp hành quy trình vận hành; công tác sửa chữa, bảo dưỡng,...;
Các ban khác của EVN thì được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân về thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch; công tác dự báo nhu cầu, kế hoạch vận hành hệ thống điện, thị trường điện; đảm bảo nhiên liệu; đầu tư xây dựng; công tác mua sắm, thanh toán; việc điều tiết, cung ứng điện, tiết kiệm điện,..
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của EVN vào sáng 2/1/2024, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An đã nêu rõ: "Là người mua duy nhất nên khi thiếu điện phải chịu trách nhiệm và cuối cùng đây là bài học đắt giá cho EVN. Thật sự rất là buồn khi các cán bộ bị xem xét trách nhiệm, xử lý. Đây là nhiệm vụ rất cam go trong những năm sắp tới của chúng ta, không chỉ năm 2024, 2025 hay 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên toàn quốc được đảm bảo”.
Ông Đặng Hoàng An cho rằng, để đảm bảo không thiếu điện, trong thời gian tới với vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, UBND các địa phương… rất quan trọng. Cùng đó, nếu không có vốn đầu tư của toàn xã hội vào các công trình đã quy hoạch và vạch quy hoạch, an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.
Bài 3: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong cung cấp điện, xây dựng cơ chế giá điện
Thu Hường