Nền tảng Tiktok: Người trẻ ngán ngẩm vì những trào lưu độc hại Bài 1: Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng Tiktok |
Phía sau thành công đó, hàng nhái, hàng giả vẫn luôn là vấn đề nhức nhối làm phiền lòng người tiêu dùng.
Hàng "dởm" ngang nhiên tung hoành trên Tiktok
Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng trên các nền tảng mạng xã hội mỗi ngày vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối.
Điều này đã được ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định tại tọa đàm "Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại": "Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn".
Trong bài viết, "Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên nền tảng Tiktok", Báo Đại biểu Nhân dân đã đề cập tới những lỗ hổng trong việc kiểm duyệt hàng hoá được đăng bán trên nền tảng mạng xã hội Tiktok.
Theo đó, rất nhiều mặt hàng như "thực phẩm chức năng", "trà giảm cân" hay thậm chí là sản phẩm của một số thương hiệu nổi tiếng bị làm giả với mức giá rẻ vẫn công khai bán trên nền tảng này thông qua hình thức quay video quảng cáo, livestream bán hàng trực tuyến.
Có thể thấy, mặc dù đề ra những quy định, chính sách khá chặt chẽ đối với cá nhân, tổ chức muốn đưa sản phẩm lên nền tảng Tiktok nhưng trên thực tế, việc kiểm soát các cá nhân, tổ chức có gian hàng tại đây có thực hiện đúng quy định hay không lại bị bỏ ngỏ.
Cho đến thời điểm hiện tại, đại diện Tiktok Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về việc hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên nền tảng mạng xã hội Tiktok. Điều này đã gây ra khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công cuộc giám sát, kiểm tra và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Doanh thu khủng có đến từ rủi ro của khách hàng?
Theo báo cáo của nền tảng số liệu thương mại điện Metric, chỉ riêng trong tháng 11.2022, các gian hàng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok (hay còn được biết đến với tên gọi Tiktok Shop) đã bán ra 13 triệu sản phẩm và 32.000 gian hàng phát sinh đơn hàng. Doanh thu của TikTok Shop đạt 1.698 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, Shopee thu về 8.761 tỷ đồng, Lazada thu 2.603 tỷ đồng còn Tiki thu về 396 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu trong một tháng của Tiktok Shop đã tương đương 80% doanh thu của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày Tiktok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và bán ra 434.000 sản phẩm. Giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng.
Chi tiết các chi phí khấu trừ cho một đơn hàng trên Tiktok Shop. Ảnh: PV |
Theo tìm hiểu, ở thời điểm mới ra mắt, TikTok Shop chỉ áp dụng thu phí người bán với mức phí là 1% trên tổng giá trị đơn hàng, thấp hơn rất nhiều so với mức phí là 8-14% của các sàn thương mại điện tử khác.
Kể từ ngày 17.10.2022, mức phí áp dụng thu với người bán đã được TikTok Shop tiến hành điều chỉnh, nâng lên thành 2,5% (đã bao gồm thuế). Và mức phí này sẽ được áp dụng cho toàn bộ người bán trong nước, toàn bộ sản phẩm cũng như toàn bộ đơn đặt hàng được đặt trên nền tảng ứng dụng này.
Phí bán hàng trên Tiktok Shop được tính theo công thức: Phí bán hàng trên TikTok Shop = 2,5% x (Số tiền thanh toán của khách hàng – Hoàn tiền cho đơn của khách).
Với mức chi phí chiết khấu từ các đơn hàng trên Tiktok Shop có thể dễ dàng tính toán được 1 phần lợi nhuận của tiktok.
Vậy theo công thức trên, sản phẩm cân điện tử được đăng bán trên Tiktok Shop có giá 199.000 đồng, chiết khấu nền tảng 15.000 đồng (không ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm như đối với sàn Shopee), tổng thanh toán của khách hàng là 184.000 đồng (trường hợp sản phẩm không bị tính phí trọng lượng của gói hàng). Phí giao dịch (2,5% sau thuế) Tiktok Shop thu về theo đúng công thức là 4.600 đồng/đơn hàng.
Cùng là sản phẩm trên so sánh với mức phí áp dụng thu là 1% thì số tiền Tiktok Shop thu của người bán là 1840 đồng.
Theo thống kê của một shop bán hàng T (shop giấu tên) trên Tiktok Shop, tổng số cân điện tử đã được tiêu thụ ra thị trường lên đến con số hơn 6200 cái. Tổng số tiền Tiktok Shop thu của người bán áp mức phí 2,5% cho 6200 cái cân điện tử là 28.520.000 đồng. Đối với mức phí 1% thì là 11.408.000 đồng.
Việc thay đổi chính sách về mức phí thanh toán khiến cho nguồn thu nhập của Tiktok ngày một tăng hơn. Và với số lượng lớn gian hàng trên nền tảng mạng xã hội này cùng với mức phí thanh toán 2,5% (đã bao gồm VAT), có thể thấy doanh thu của Tiktok không hề nhỏ. Chưa dừng lại ở đó, cứ mỗi ngày, số lượng gian hàng mới đăng ký trên nền tảng Tiktok lại nhiều hơn. Do đó, doanh thu của Tiktok cũng vì thế mà tăng thêm.
Vấn đề cần đặt ra, với số lượng gian hàng lớn và gia tăng mỗi ngày, đáng lẽ Tiktok phải làm tốt công tác quản lý, giám sát các chủ hàng có sản phẩm kinh doanh trên nền tảng đáp ứng quy định, chính sách mà chính Tiktok đề ra. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy những hành động trái ngược khi Tiktok buông lỏng quản lý việc đưa sản phẩm lên, vô hình chung tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tiêu thụ ra ngoài thị trường.
Dư luận cũng có thể đặt nghi vấn liệu việc bỏ qua các quy định, chính sách hay những yêu cầu đối với chủ hàng có phải là cách để Tiktok gia tăng nhanh chóng số lượng gian hàng niêm yết trên nền tảng và thu lời từ những gian hàng này? Nếu tình trạng này tái diễn, người dùng gặp rủi ro vì mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, liệu Tiktok có chịu trách nhiệm?
Đứng trước thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được trà trộn để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm mục đích sinh lời, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này.
Trong đó, quan trọng nhất là không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm. Với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì Bộ luật hình sự đã có chế tài xử lý theo quy định tại Điều 192 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. Tuỳ vào mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để lừa đảo trong thương mại điện tử có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. |
daibieunhandan.vn