Nghệ thuật Bài chòi, món ăn tinh thần của người dân Trung Bộ Quảng Nam: Dùng di sản Bài Chòi dệt “lưới” an sinh xã hội |
Thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian hô hát Bài Chòi, các hoạt động tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tại tỉnh Quảng Nam đã trở nên gần gũi, thu hút sự quan tâm của người dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ về chương trình này với phóng viên.
Vận động chính sách an sinh qua đêm hội Bài Chòi đang góp phân đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Quảng Nam |
Việc sử dụng Bài Chòi để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội đang tạo được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam, vậy bà có thể cho biết thêm về hoạt động này?
Bài Chòi là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người dân xứ Quảng. Lớn lên cùng điệu Bài Chòi, như lời ru với người miền Bắc, câu hò miền Nam, vì thế đối với mỗi gười dân Quảng Nam loại hình thức nghệ thuật này là món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động văn hóa. Với sự đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân ca kết hợp trò chơi dân gian của người miền Trung, Bài Chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại năm 2017.
Thường mỗi đêm diễn Bài Chòi thu hút hàng nghìn người xem, chủ yếu là tiểu thương, lao động tự do - nhóm tiềm năng cho khu vực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì thế, năm 2020, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đã có đề nghị với Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam chuyển nội dung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thành điệu dân ca Bài Chòi.
Quyết định vận động chính sách an sinh qua đêm hội Bài Chòi được đưa ra là với lý do đó và đặt mục đích đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nhân loại, phát huy cách truyền thông này một cách hiệu quả hơn và nếu được thì nhân rộng ra 9 tỉnh miền Trung Trung bộ.
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam |
Tuy nhiên, để biến những con số khô khan của chính sách bảo hiểm xã hội thông qua loại hình nghệ thuật đặc sắc như Bài Chòi, Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam gặp những khó khăn nào, thưa bà?
Ngay khi ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đề xuất thực hiện ý tưởng sử dụng Bài Chòi vào tuyên truyền chính sách, chúng tôi khá lo lắng, trăn trở nhưng đầy quyết tâm thực hiện bởi đây là cách để vừa bảo tồn di sản vừa gắn với tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích cuối cùng là hướng về người dân.
Trong hai năm qua, mặc dù gặp trở ngại bởi tình hình dịch Covid-19, nhưng Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam đã tổ chức được hơn 20 đêm diễn Bài Chòi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới người dân tại nhiều địa phương, từ khu vực đồng bằng, vùng biển đến bà con miền núi xa xôi như Tây Giang. Các đêm diễn tuyên truyền chính sách vừa có kịch vui, ca múa nhạc, mini game nên trung bình thu hút khoảng 400-500 người xem cũng như livestream trực tiếp.
Hiện nay tuyên truyền qua hát Bài Chòi đang được triển khai dưới nhiều hình thức, đó là tuyên truyền tại cơ sở thông qua tổ chức biểu diễn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các đêm hội Bài Chòi tại cơ sở khoảng 60 phút gồm ba nội dung, gồm một bài hát về ngành và bài bài hát do địa phương tổ chức tham gia, mini game tìm hiểu về bảo hiểm xã hội tự nguyện và phần chính là hô hát bài chòi về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại các buổi biểu diễn, viên chức bảo hiểm xã hội và diễn viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam kết hợp phát tờ rơi tuyên tuyền, đặt bàn tư vấn chính sách khi người dân có nhu cầu. Ngoài ra, còn có kết hợp trao phần thưởng cho những người trả lời đúng các câu hỏi mini game và trúng thưởng hô hát bài chòi.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam còn ghi hình tuyên truyền thường xuyên trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, ghi âm phát trên sóng truyền thanh tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền là những thông báo ngắn gọn, đi vào trọng tâm là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, VssID-BHXH số.
Đến nay, bà đánh giá gì về những kết quả đạt được từ sáng kiến đưa Bài chòi vào hoạt động tuyên truyền bảo hiểm xã hội của Quảng Nam?
Quảng Nam là tỉnh có 9/18 huyện miền núi nên việc tiếp cận thông tin, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế. Điều kiện đi lại, việc tập trung gặp gỡ người dân để tuyên truyền chính sách gặp nhiều khó khăn. Vì đời sống tinh thần của người dân ở miền núi rất thiếu thốn nên khi có những buổi biểu diễn, sinh hoạt văn hóa tập trung thường người dân tham dự rất đông.
Do đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các đoàn chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh để kết hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Và những đợt tuyên truyền như vậy được cấp ủy và chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm tổ chức cũng như thông báo qua loa phát thanh cho người dân biết trước khi sự kiện diễn ra.
Qua mỗi buổi tuyên truyền, được lãnh đạo địa phương đánh giá cao, tăng thêm sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói chung và tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng.
Đặc biệt, mỗi cán bộ văn hóa và bảo hiểm xã hội dù còn gặp nhiều khó khăn, vất vả trong tuyền truyền chính sách nhưng qua mỗi đêm hội Bài Chòi khi thấy bà con vây kín vòng trong vòng ngoài chưa tính lượt live stream qua mạng xã hội; rồi sự mong ngóng, chờ đợi cán bộ tổ chức chương trình tiếp theo của bà con thì ai nấy cũng đều rất phấn khởi và gieo lên cho chúng tôi rất nhiều hy vọng rằng “mưa dầm thấm lâu” “lưới an sinh” của Quảng Nam sẽ được mở rộng thông qua điệu Bài Chòi mộc mạc, gần gũi.
Xin cảm ơn bà!
Bảo Thoa