Báo cáo CPI tháng 12/2024 của Mỹ dự kiến ​​cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng, các nhà đầu tư điều chỉnh lại đặt cược cắt giảm lãi suất năm 2025

21/01/2025 - 17:26
(Bankviet.com) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ đóng vai trò là phép thử mới nhất về việc liệu lạm phát trở lại có phải là rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ hay không khi các nhà đầu tư tranh luận liệu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có cắt giảm lãi suất vào năm 2025 hay không và khi nào.

Báo cáo công bố sáng ngày 15/1 (giờ Mỹ) dự kiến ​​sẽ cho thấy lạm phát toàn phần là 2,9%, tăng so với mức 2,7% trong tháng 11. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến ​​​​sẽ tăng 0,4% so với tháng trước, cũng cao hơn mức tăng 0,3% hàng tháng được thấy trong tháng 11.

Các yếu tố mang tính mùa vụ như chi phí nhiên liệu cao hơn và lạm phát giá lương thực tiếp tục gia tăng được cho là sẽ khiến các chỉ số chung tăng cao.

Trên cơ sở "cốt lõi", loại bỏ các chi phí thực phẩm và khí đốt dễ biến động, giá cả trong tháng 12 dự kiến ​​​​sẽ tăng 3,3% so với năm ngoái trong tháng thứ năm liên tiếp. Theo dữ liệu của Bloomberg, các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng giá cốt lõi hàng tháng cũng phù hợp với mức tăng 0,3% của tháng trước.

Lạm phát cơ bản vẫn tăng cao do chi phí nhà ở và dịch vụ như bảo hiểm và chăm sóc y tế cao hơn. Các dịch vụ cốt lõi dự kiến ​​sẽ có ít thay đổi trong tháng 12 sau khi giá vé máy bay và chi phí lưu trú đều bất ngờ tăng so với báo cáo trước đó.

Thách thức tiếp theo của FED: Chính quyền mới

Mặc dù lạm phát đã chậm lại nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% hằng năm của FED.

Việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống tiếp theo của Mỹ đã làm phức tạp thêm triển vọng về lạm phát và lãi suất, khi một số nhà kinh tế cho rằng Mỹ có thể phải đối mặt với một đợt tái phát lạm phát khác nếu ông Trump thực hiện đúng những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình. Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tuần tới.

Các chính sách do ông Trump đề xuất, chẳng hạn như đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu, cắt giảm thuế cho các tập đoàn và hạn chế nhập cư, được coi là những yếu tố gây lạm phát. Những chính sách đó cũng có thể làm phức tạp thêm lộ trình điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương.

Bên cạnh những bất ổn chính trị, các chỉ số lạm phát gần đây đang nóng lên trong năm mới, mặc dù giá sản xuất đã cho thấy sự giảm nhẹ trong dữ liệu công bố hôm đầu tuần.

Cuối tuần trước, kinh tế trưởng về Mỹ của Oxford Economics, Ryan Sweet đã viết: “Có khả năng là chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 sẽ không hài lòng FED”. Nhà kinh tế cho biết báo cáo lao động mạnh mẽ vào tháng 12 đã củng cố thêm việc tạm dừng giảm lãi suất vào cuối tháng này, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ thực hiện phương pháp nới lỏng dần dần.

Tính đến hôm nay, thị trường vẫn còn chia rẽ về việc liệu FED có cắt giảm 25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm nay hay không. Tỷ lệ đặt cược cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2025 hiện dao động quanh mức 40%.

“Dự báo của chúng tôi là FED sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm nay, nhưng báo cáo việc làm làm tăng nguy cơ sẽ có ít đợt giảm lãi suất hơn và FED sẽ không hạ lãi suất trước tháng 3, hiện là mức dự báo cơ sở của chúng tôi,” ông Sweet viết trong một báo cáo riêng vào cuối tuần trước. Nhà kinh tế học cho biết ông cần thêm bằng chứng về sự cải thiện của thị trường lao động trước khi điều chỉnh dự báo của mình.

Trong khi đó, chuyên gia của Bank of America đã điều chỉnh lại triển vọng cắt giảm lãi suất về số 0 trong năm nay (không cắt giảm lãi suất – PV) và cảnh báo việc tăng lãi suất cũng có thể được cân nhắc.

Các chuyên gia cho biết: “Lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu, rủi ro tăng lên, hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ và thị trường lao động hiện có vẻ đã ổn định”.

“Dự báo cơ sở của chúng tôi cho rằng FED sẽ tiếp tục duy trì lãi suất như hiện tại, nhưng chúng tôi cho rằng rủi ro cho động thái tiếp theo nghiêng về việc tăng lãi suất. Theo quan điểm của chúng tôi, việc tăng lãi suất sẽ có hiệu lực nếu lạm phát PCE lõi hàng năm vượt quá 3% và trong dài hạn kỳ vọng lạm phát không được neo tốt."

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ