Như Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng Khoán đã thông tin trước đó, thời gian gần đây, liên tiếp các khách hàng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã có những phản ánh về việc đến gửi tiết kiệm nhưng lại được nhân viên ngân hàng tư vấn “chương trình tiết kiệm lãi suất tốt” và “sản phẩm tích lũy đầu tư” nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ Sun Life, gây thiệt hại cho khách hàng.
Một trong số những sự việc này đã được Bộ Tài chính chuyển đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Những hợp đồng “béo bở”
Theo giới thiệu, Sun Life Việt Nam đang là công ty bảo hiểm lớn thứ ba tại Việt Nam về vốn chủ sở hữu, chỉ sau FWD và Cathay Life. Trong năm 2019 và 2020, Sun Life Việt Nam ký hợp tác độc quyền bancassurance với hai ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Cụ thể, hồi tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam và TPBank đã tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, Sun Life Việt Nam sẽ là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank trong 15 năm, bắt đầu từ đầu năm 2020.
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank nhận định, việc hợp tác này sẽ đêm lại nhiều giá trị bền vững cho khách hàng và cộng đồng, giúp khách hàng có thêm lựa chọn về các gói quyền lợi bảo hiểm cũng như hướng đến mục tiêu giúp khách hàng đảm bảo an toàn tài chính trọn đời và tận hưởng cuộc sống mạnh khỏe hơn.
Tưởng chừng hợp tác với TPBank và ACB sẽ khiến Sun Life "hổ mọc thêm cánh" nhưng đây lại là giai đoạn thua lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này. |
Thực tế, kể từ sau khi “nên duyên” với Sun Life, TPBank cũng mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của ngân hàng kể từ năm 2019 đến năm 2022.
Đúng một năm sau đó, Sun Life Việt Nam có thêm đối tác mới là ACB. Ngày 18/11/2020, Sun Life Việt Nam và ACB đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Đây là hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB.
Tại buổi lễ kỷ niêm 2 năm hợp tác diễn ra hồi cuối năm 2022, đại diện ngân hàng ACB cho biết, sau 2 năm hợp tác, đã có hơn 95.000 khách hàng tham gia các giải pháp bảo hiểm của Sun Life qua ACB. Chỉ trong năm đầu tiên, ACB đã mang về hơn 1.246 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm. Sang năm thứ 2, tính đến hết thasg 10/2022, doanh thu phí bảo hiểm của ACB đã đạt 1.437 tỷ đồng.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau cái bắt tay của ACB và Sun Life Việt Nam, mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng bancassurance hợp tác bảo hiểm độc quyền. Mức phí này cao gấp 4 lần so với con số dự báo khoảng 90 triệu USD do nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính trước đó.
Ngược chiều kết quả kinh doanh
Mặc dù không có những thống kê rõ ràng nhưng những con số doanh thu từ những ngân hàng đã cho thấy được rằng, Sun Life đã có thêm hàng trăm nghìn khách hàng, tương ứng với số bảo dịch vụ bảo hiểm đã bán được tương đương, chưa kể kênh đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm này.
Thế nhưng, trái ngược với sự “thăng hoa” của đối tác (ACB, TPBank) thì Sun Life Việt Nam lại đang rơi vào trạng thái liên tiếp lập kỷ lục thua lỗ, thậm chí đã có mốc đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Tạp chí Kinh tế Chứng Khoán, Sun Life chính thức hoạt động từ năm 2013 – đây cũng là năm duy nhất công ty có lãi với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 36,5 tỷ đồng. Kể từ sau đó đến nay, công ty không còn ghi nhận lợi nhuận ở con số dương, đặc biệt là sau khi hợp tác với ACB và TPBank.
Cụ thể, vào năm 2014 Sun Life Việt Nam lỗ 118 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 78,5 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 109 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 141 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 292 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 312 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, Sun Life Việt Nam lỗ luỹ kế 1.016 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020 – năm đầu tiên hợp đồng hợp tác với TPBank có hiệu lực, Sun Life ghi nhận 1.307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với năm 2019; doanh thu từ hoạt động tài chính là gần 394,4 tỷ đồng, thu nhập khác hơn 3,8 tỷ đồng.
Số lỗ của Sun Life tăng mạnh qua từng năm. |
Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm chiếm tới gần 80% doanh thu ghi nhận 1.340 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2019; chi phí bán hàng cũng tăng gấp đôi từ 418,6 tỷ đồng của năm 2019 lên 884,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng tăng mạnh so với năm trước đó đã khiến Sun Life lỗ trước thuế 729,2 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2019. Sau khi trừ đi khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, Sun Life còn lỗ 644,7 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2019.
Tiếp đến năm 2021 – năm đầu tiên hợp tác với ACB, doanh thu thuần trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Sun Life tăng đột biến 124% so với năm 2020 lên 3.014 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn như “kịch bản” cũ, chi phí cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm chiếm quá nửa doanh thu ghi nhận 1.961 tỷ đồng, tăng gần 90% so với năm trước; chi phí bán hàng của năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm 2020 lên 2.637 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Sun Life ghi nhận lỗ 1.444 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm trước, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 3.100 tỷ đồng.
Điều đáng nói, tình trạng thua lỗ năm sau cao hơn năm trước của Sun Life diễn ra trong bối cảnh công ty cũng liên tục thực hiện tăng vốn. Trong giai đoạn 2014 - 2019, vốn điều lệ tại Sun Life Việt Nam tăng lần lượt 1.100 tỷ đồng, 1.200 tỷ đồng, 1.350 tỷ đồng, 1.520 tỷ đồng, 1.870 tỷ đồng, 5.070 tỷ đồng.
Trong năm 2020-2021 – là giai đoạn thua lỗ đạt kỷ lục thì ở chiều ngược lại Sun Life cũng tăng vốn siêu tốc lên 9.310 tỷ đồng và 14.380 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, vốn điều lệ của công ty đã ghi nhận con số 16.480 tỷ đồng – trở thành một trong 2 công ty bảo hiểm có vốn điều lệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.
Dù vậy, trong hơn 9 năm hoạt động tại Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của Sun Life Việt Nam chỉ phát sinh trong năm 2013 là hơn 12,6 tỷ đồng và năm 2019 là 22 triệu đồng.
Tuệ Minh