Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng như Báo cáo kết quả kinh doanh của BIDV năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021; Kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát năm 2020 và trọng tâm hoạt động năm 2021; Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các Quy chế liên quan; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2021; Bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022,…
Chủ động giảm thu nhập năm 2020 hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do COVID-19
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động kép của thiên tai và đại dịch COVID-19, song với nỗ lực cao độ của toàn hệ thống, BIDV đã đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định, an toàn với những kết quả tích cực: Hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh doanh năm 2020 do Đại hội đồng cổ đông giao; Quy mô tăng trưởng phù hợp với diễn biến của thị trường và nền kinh tế; Bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước tại BIDV, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN); Đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cổ đông và người lao động... Bên cạnh đó, BIDV cũng thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, chủ động giảm thu nhập để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn huy động năm 2020 đạt 1.402.248 tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.295.533 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với năm 2019, chiếm 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.438.520 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1.230.569 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Về hiệu quả, thu dịch vụ năm 2020 của BIDV đạt 7.219 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với năm 2019 - kết quả rất tích cực trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn. Chênh lệch thu chi đạt 32.344 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; tuy nhiên giảm 15,9% so với năm 2019 do BIDV chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do COVID-19 theo chỉ đạo của NHNN. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định của NHNN.
Năm 2020, BIDV nộp NSNN 6.437 tỷ đồng; lũy kế 05 năm 2016-2020, BIDV nộp NSNN gần 27.900 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu trong toàn quốc về số nộp NSNN. Trong năm 2020, BIDV thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm.
Giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 đạt 193.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2020, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 47.900 đồng/CP, tăng 56% so với thời điểm “đáy” tháng 3/2020, tăng 4% so với đầu năm 2020.
Những chỉ tiêu trọng tâm năm 2021
Năm 2021, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung,... Trong nước, Chính phủ xác định 2021 là năm động lực, tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII và Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với một số chỉ tiêu quan trọng: GDP tăng trưởng 6,5%; CPI bình quân ở mức 4%...
Quán triệt Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ và và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN; với phương châm hành động “Kỷ cương - Chất lượng - Chuyển đổi số”, BIDV quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2021, mở đầu giai đoạn thực hiện Chiến lược đến năm 2025, Tầm nhìn đến năm 2030.
Đại hội thống nhất với một số chỉ tiêu kinh doanh của BIDV năm 2021, cụ thể: Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12-15%; Tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, dự kiến tăng trưởng 10-12%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid, phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh; Tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020... (các chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở diễn biến mới của dịch COVID-19 (nếu có) và phê duyệt của cấp có thẩm quyền)
BIDV cũng sẽ nỗ lực duy trì tăng trưởng bền vững, có chất lượng; củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo, chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng SME; triển khai mạnh mẽ chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế...
Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (Nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó ông Nguyễn Quang Huy là Ủy viên HĐQT độc lập; bầu bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Giám đốc Ban Kế hoạch BIDV) tham gia Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. Với sự bổ sung này, HĐQT BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài; 1 thành viên HĐQT độc lập, Ban Kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.
C.C
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)