Tóm tắt: Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi bản chất của lạm phát: lạm phát sẽ ngày càng bị chi phối bởi các cú sốc cung hơn là các cú sốc cầu. Điều này có nghĩa là, về lâu dài, mô hình chính sách tiền tệ chủ đạo - lạm phát mục tiêu - sẽ ngày càng mất đi tính hiệu quả vốn có, các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Bài viết phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến lạm phát và khuôn khổ chính sách tiền tệ; những lựa chọn khó khăn trong thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu để đối phó với các cú sốc khí hậu.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, chính sách tiền tệ, lạm phát mục tiêu
Climate change and monetary policy
Abstract: Climate change is changing the nature of inflation: inflation will be increasingly driven by supply shocks rather than demand shocks. This means that over the long term, the dominant monetary policy model - inflation targeting - will become increasingly less effective, the IMF economists said. The article analyzes the impact of climate change on inflation and monetary policy framework; difficult choices in implementing inflation targeting to cope with climate shocks.
Keywords: Climate change, monetary policy, inflation targeting
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với rủi ro khí hậu ngày càng tăng. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2000-2019, số vụ thiên tai liên quan đến khí hậu tăng so với giai đoạn 1980-1999 là 83% (UNDPR, 2020). Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, cả tần suất và thời gian của các đợt nắng nóng ở quốc gia này đều đang gia tăng: nếu vào những năm 1960, những đợt nắng nóng như vậy xảy ra trung bình 2 lần một năm, thì đến năm 2020, con số này đã vượt quá 6 lần một năm (EPA, 2022); phân tích dựa trên dữ liệu Berkeley Earth cho thấy sự gia tăng về tần suất và thời gian của các đợt nắng nóng cũng là đặc điểm của các khu vực khác trên thế giới (Perkins-Kirkpatrick & S.C. Lewis, 2020). Và lượng mưa toàn cầu kể từ năm 1901, tăng trung bình 1 mm mỗi thập kỉ.
Những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng. Các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ một lần nữa trong năm 2023 tại Canada, Hoa Kỳ, Nga, Bắc cực và Trung Á. Trên toàn cầu, 6 năm qua là những năm nóng nhất được ghi nhận và nhiệt độ vào năm 2022 đã vượt quá mức trung bình của những năm 1850–1900 là 1,25°C (2,25°F).
Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những cú sốc diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn cả cung và cầu, từ đó, tác động trực tiếp đến lạm phát. Nếu lạm phát do cầu xảy ra khi cầu vượt quá nguồn cung tiềm năng, thì lạm phát do cung xảy ra do một số sự cố, nguồn cung của một hàng hóa hoặc dịch vụ đột ngột giảm, làm thay đổi giá cân bằng của hàng hóa hoặc dịch vụ này và do đó, dẫn đến sự gia tăng chỉ số lạm phát tổng thể. Cú sốc cung gây ra một sự đánh đổi khó khăn đối với chính sách tiền tệ, vì chúng có thể đẩy giá lên trong khi làm giảm sản lượng: việc chống lại sự tăng giá bằng cách “hạ nhiệt” cầu trong tình huống này, có thể dẫn đến sản lượng tiếp tục giảm.
Sự gia tăng tần suất của các cú sốc cung do các cú sốc khí hậu có thể hàm ý rằng, mô hình tiền tệ phổ biến - lạm phát mục tiêu linh hoạt - có thể ngày càng trở nên kém hiệu quả trong dài hạn, các nhà kinh tế của IMF, một tổ chức được coi là một trong những kiến trúc sư của cơ chế lạm phát mục tiêu kết luận (Alain N. Kabundi, Montfort Mlachila, Jiaxiong Yao, 2022).
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1.Thiên tai và lạm phát
Sau khi phân tích dữ liệu của 183 quốc gia trong giai đoạn 1970-2018, các nhà kinh tế của IMF cho biết, các cú sốc khí hậu khác nhau ảnh hưởng đến diễn biến của lạm phát theo những cách khác nhau. Họ xem xét hai bộ dữ liệu về các cú sốc khí hậu: bộ thứ nhất bao gồm các thảm họa thiên nhiên, bộ thứ hai bao gồm các sai lệch của các chỉ số khí hậu (nhiệt độ và lượng mưa) so với mức trung bình dài hạn.
Trước tiên, phân tích xác nhận rằng, tần suất và cường độ của các thảm họa khí hậu đã thực sự gia tăng. Ví dụ: trung bình giai đoạn 1970-1995 có dưới 50 trận lũ mỗi năm, trong giai đoạn 1996-2018 gấp 3 lần; đây là những thảm họa thiên nhiên phổ biến nhất. Sự gia tăng sai lệch về nhiệt độ và lượng mưa so với định mức trung bình dài hạn hằng năm rõ rệt hơn ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển và các nước có thu nhập thấp.
Thứ hai, hóa ra những cú sốc khí hậu có thể làm tăng lạm phát, nhưng cũng có thể dẫn đến giảm lạm phát. Hạn hán gây lạm phát nhiều nhất, nguyên nhân chủ yếu là do cú sốc cung lương thực, chiếm một phần đáng kể trong rổ hàng hóa tiêu dùng (đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước có thu nhập thấp). Trung bình, một đợt hạn hán nghiêm trọng làm tăng lạm phát lên 3 điểm phần trăm trong vòng một năm. Bão cũng dẫn đến lạm phát cao hơn, nhưng hiệu ứng này kéo dài trung bình từ hai đến ba quý. Ngược lại, lũ lụt nghiêm trọng có tác động giảm phát - dẫn đến lạm phát giảm 2 điểm phần trăm trong vòng một năm.
Tác động khác nhau của hạn hán, lũ lụt và bão đối với lạm phát có thể được giải thích bằng tác động khác nhau của chúng đối với tổng cầu và tổng cung. Ví dụ, nếu tổng cung giảm nhiều hơn tổng cầu, lạm phát có thể sẽ tăng. Việc cắt giảm nguồn cung thường là do cơ sở hạ tầng bị phá hủy, trong khi việc cắt giảm cầu là do các hộ gia đình và doanh nghiệp lo ngại rủi ro ngày càng tăng: những người sống sót sau lũ lụt, bão hoặc hạn hán có xu hướng cắt giảm tiêu dùng và đầu tư ngay cả khi được hỗ trợ tài chính, điều này làm giảm lạm phát. Trong trường hợp lũ lụt, việc giảm cầu thường lớn hơn giảm cung và tác động kết hợp của hai yếu tố này dẫn đến giảm phát.
Ngoài ra, sau lũ lụt, sản xuất lương thực - đóng vai trò quan trọng trong động thái của lạm phát - thậm chí còn tăng lên, các tác giả của nghiên cứu phát hiện. Điều này có thể là do: (i) lũ lụt thường xảy ra trong một thời gian không dài và nông dân vẫn có thời gian để thu hoạch từ các loại cây trồng lại; (ii) lũ lụt thường bao phủ một phần lãnh thổ tương đối nhỏ, đặc biệt là so với hạn hán và thiệt hại mùa màng thường mang tính cục bộ; (iii) ở những vùng tiếp giáp với vùng lũ, lượng mưa tăng thậm chí có thể dẫn đến tăng năng suất cây trồng.
Mặt khác, hạn hán kéo dài hơn và bao phủ các khu vực rộng lớn, phá hủy mùa màng và đẩy giá lương thực lên cao. Lạm phát lương thực tăng mạnh do hạn hán - trung bình 5 điểm phần trăm, sau đó, còn tăng cao hơn - lên tới 10 điểm phần trăm vào quý thứ ba sau khi hạn hán – và duy trì ở mức cao trong vòng một năm.
2.2. Thiên tai và chính sách tiền tệ
Qua các nghiên cứu, các tác giả nhận thấy, quy mô và thời gian của các đợt lạm phát gia tăng do thiên tai gây ra phụ thuộc vào khuôn khổ chính sách tiền tệ: các quốc gia có khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu đối phó với các đợt tăng lạm phát tốt hơn.
Do đó, ở các nước phát triển có cơ chế lạm phát mục tiêu, phản ứng lạm phát ban đầu là dưới 0,5 điểm phần trăm và bắt đầu từ quý thứ hai sau thảm họa, nó thường biến mất, trong khi ở các nước không thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu, sau đợt tăng đột biến ban đầu, lạm phát vẫn tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong 2 năm nữa. Hiệu ứng giảm phát của lũ lụt cũng xuất hiện ở các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu; ở các quốc gia không thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu, lũ lụt cũng như hạn hán dẫn đến lạm phát cao hơn. Ở các nước đang phát triển không thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu, hạn hán dẫn đến lạm phát tăng vọt 3 điểm phần trăm cùng với mức tăng sau đó, mức tăng lạm phát sau lũ lụt lên tới 1 điểm phần trăm vào năm thứ hai, trong khi tác động lạm phát là không đáng kể ở các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu.
Trong trường hợp các cú sốc về nhiệt độ, lạm phát dường như cũng được neo giữ tốt hơn ở các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu, điều này không xảy ra với các cú sốc về lượng mưa – mặc dù tác động của chúng xuất hiện sớm hơn ở các quốc gia không thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu.
Tuy nhiên, thách thức của thảm họa khí hậu đối với chính sách tiền tệ là chúng dẫn đến những cú sốc cũng thường xuyên hơn, điều này có nghĩa là, lạm phát cao hơn và dễ biến động hơn cũng như sự không chắc chắn cao hơn về chênh lệch sản lượng - nghĩa là chênh lệch giữa mức sản lượng hiện tại so với tiềm năng. Các ngân hàng trung ương tính đến các mức chênh lệch sản lượng khi đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, vì nếu sản lượng trên mức tiềm năng có thể cho thấy nền kinh tế đang “quá nóng”, việc kích thích nó sẽ chỉ gây ra lạm phát và bong bóng giá “sụp đổ” sau đó, và ngược lại - kích thích kinh tế khi tăng trưởng dưới mức tiềm năng có thể thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn mà không có áp lực lạm phát đáng kể.
Sự không chắc chắn trong chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến cầu, đầu tư và kì vọng lạm phát. Các cú sốc thường xuyên hơn và sự không chắc chắn cao hơn có thể góp phần làm giảm sản lượng tiềm năng, làm phức tạp thêm việc điều hành và thực thi chính sách tiền tệ: việc không dự đoán đúng chênh lệch sản lượng sẽ dẫn đến những bước đi sai lầm trong chính sách tiền tệ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của các ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, những cú sốc cung thường xuyên gây khó khăn trong việc phân loại các cú sốc lạm phát thành hai loại: dai dẳng và tạm thời. Các nhà kinh tế IMF cho rằng, một trong những giả thiết của chính sách tiền tệ hiện đại nói chung và đối với cơ chế lạm phát mục tiêu linh hoạt nói riêng là “xem xét” các cú sốc cung như nhân tố tạm thời, nghĩa là, coi chúng và sự gia tăng lạm phát do chúng gây ra là những yếu tố nhất thời. Tuy nhiên, chính sách này có vẻ thiếu cơ sở khi các quốc gia phải đối mặt với những cú sốc cung dai dẳng, vì vậy, kỳ vọng lạm phát có thể chệch khỏi mục tiêu. Các cuộc tranh luận vào năm 2021 về “các yếu tố nhất thời”, khi lạm phát gia tăng, gây ra bởi cú sốc cung – trước hết là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cách ly và giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 và sự dỡ bỏ các biện pháp hạn chế này không đồng đều – được các ngân hàng trung ương coi là nhất thời và gây ra bởi các yếu tố tạm thời. Từ đó, các nhà kinh tế IMF cho rằng, để có chính sách tiền tệ hiệu quả, điều quan trọng là phải hiểu bản chất, thời gian và cường độ của các cú sốc khí hậu.
3. MỘT SỐ KẾT LUẬN
Nghiên cứu cho thấy những cú sốc khí hậu có thể làm tăng lạm phát hoặc giảm lạm phát. Hạn hán gây lạm phát nhiều nhất, tính bình quân một đợt hạn hán nghiêm trọng làm tăng lạm phát lên 3 điểm phần trăm trong vòng một năm. Bão cũng dẫn đến lạm phát cao hơn, nhưng hiệu ứng này kéo dài trung bình từ hai đến ba quý. Ngược lại, lũ lụt nghiêm trọng có tác động giảm phát - dẫn đến lạm phát giảm 2 điểm phần trăm trong vòng một năm. Quy mô và thời gian của các đợt lạm phát gia tăng do thiên tai gây ra phụ thuộc vào khuôn khổ chính sách tiền tệ: các quốc gia có khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu đối phó với các đợt tăng lạm phát tốt hơn.
Việc sửa đổi các khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện hành có tính đến rủi ro khí hậu vẫn là một vấn đề nan giải: nhiều ngân hàng trung ương đã tạo dựng được danh tiếng của mình trong điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi trong những năm 1990 và 2000, nhưng rủi ro khí hậu đang trở thành một vấn đề đối với các mô hình cơ bản của họ – họ sẽ phải giải quyết vấn đề mô hình hóa “các thiên nga xanh”, tức là, các sự cố khí hậu hiếm gặp bất ngờ với những hậu quả sâu rộng. Các mô hình hiện tại được các ngân hàng trung ương sử dụng không hoàn toàn phù hợp với việc phân tích các cú sốc khí hậu: chúng không tính đến sự phân bố theo ngành về tác động của cú sốc hoặc phản ứng của các loại tài sản khác nhau; ngoài ra, cần phải tính đến rủi ro khí hậu trong các quy định thế chấp tài sản.
Trong tương lai, tất cả các nhóm quốc gia có thể phải đối mặt với những cú sốc khí hậu thường xuyên hơn và điều này có hàm ý như thế nào đối với chính sách tiền tệ là một câu hỏi mở. Một mặt, cơ chế lạm phát mục tiêu linh hoạt có thể không khắc phục được thách thức này, vừa đòi hỏi phải ứng phó với cả lạm phát gia tăng, đồng thời, phải đối phó với nguy cơ sản lượng thấp hơn. Như các chuyên gia từ Viện Brookings (Warwich Mckibbin, Adele Morris at el., 2017) cho rằng, chính các quy tắc của chính sách tiền tệ có thể thay đổi: thay vì lạm phát mục tiêu, có thể là GDP danh nghĩa hoặc thu nhập danh nghĩa (dòng thu nhập mà người cư trú nhận được) - vì điều này không đòi hỏi ngân hàng trung ương hiểu bản chất chính xác của cú sốc khí hậu. Mặt khác, một nghiên cứu trước đó của IMF kết luận rằng, cơ chế lạm phát mục tiêu khi đối mặt với rủi ro khí hậu ngày càng tăng, trái lại, vẫn là cơ chế tối ưu, và ngược lại, các lựa chọn thay thế sẽ dẫn đến tổn thất phúc lợi (Alessandro Caltemo, Nikos Fatouros et al., 2022). Tuy nhiên, cuộc thảo luận này vẫn chưa kết thúc. Vẫn cần nhiều nghiên cứu định lượng với bộ dữ liệu lớn để có thể đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến chính sách tiền tệ ở trên thế giới, từng khu vực và ở từng quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Alain N. Kabundi, Montfort Mlachila, Jiaxiong Yao (2022). How Persistent are Climate-Related-Price Shocks? Implcations for Monetary Policy. October, 2022, https://www.imf.org/en/Publications/WP/Issues/2022/10/28/How-Persistent-are-Climate-Related-Price-Shocks-Implications-for-Monetary-Policy-525048.
- Alessandro Caltemo, Nikos Fatouros et al. (2022). Monetary Policy in Disaster-Prone Devel-oping Countries. IMF Working Papers, April 2022.
- EPA- United States Environmental Protection Agency (2022). Climate Change Indicators: Heat Waves.
- Lars Svensson (2009). Flexible Inflation Targeting – Lessons From the Financical Crisis. Workshop “Towards a new framework for monetary policy? Lessons from the crisis”, Nether-lands Bank, Amsterdam, 2009.
- S.E. Perkins-Kirkpatrick & S.C. Lewis (2020). Increasing trends in regional heatwaves. https://doi.org/10.1038/s41467-020-16970-7.
- UNDPR (2020). The Human Cost of Disasters 2000-2019.
- Warwich Mckibbin, Adele Morris at el. (2017). Climate Change and Monetary Policy: Deal-ing with Disruption. Brookings. https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2017/12/es_20171201_climatechangeandmonetarypolicy.pdf.
- https://www.imf.org/en/Publications/fandd/issues/2021/09/isabel-schnabel-ECB-climate-change
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1 năm 2024
PGS,TS. Nguyễn Hồng Nga