Giải pháp hiện nay là phù hợp
Chia sẻ với phóng viên, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc NHTW Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới đánh giá, giải pháp đấu thầu vàng của NHNN có tác động nhất định tới thị trường vàng. Việc đấu giá mới chỉ bắt đầu và NHNN đang nỗ lực để cải cách thị trường này.
Có thể thấy trong thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp can thiệp để bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động đấu tranh xử lý nghiêm các vi phạm đầu cơ, thao túng thị trường vàng. Mới nhất, trong ngày 23/5, NHNN đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của 2 ngân hàng và 4 doanh nghiệp vàng.
Theo các chuyên gia, những giải pháp nêu trên của NHNN là rất cần thiết và hợp lý. Bởi nhìn vào lịch sử giá vàng, Nhóm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, có nhiều giai đoạn không cần nhập khẩu vàng, không cần phá độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chênh lệch giá vàng vẫn có những giai đoạn dài được kiểm soát, giá vàng trong nước và thế giới đồng pha gần như tuyệt đối. Ngược lại, có giai đoạn nhập khẩu vàng lớn nhưng chênh lệch giá vàng vẫn ở mức cao.
Cụ thể, giai đoạn 2014-2015, sau khi bán 74 tấn vàng, chênh lệch giá vàng trong nước vẫn ở mức cao hơn khoảng 10%-20% so với giá vàng thế giới. Cũng trong giai đoạn này, khi giá vàng thế giới giảm 12% thì giá trong nước chỉ giảm 5,7%. Như vậy, có thể thấy dù đã phải nhập một lượng vàng rất lớn, mục tiêu bình ổn và giảm chênh lệch giá vàng cũng khó đạt được trong một sớm một chiều. Điều này khẳng định sự cần thiết phải tính đến các phương án khác để giảm chênh lệch giá vàng chứ không đơn giản là hy sinh dự trữ để mua vàng về bán.
Ngược lại, giai đoạn 2016-2019, dù chúng ta không nhập khẩu nhiều nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lại bằng 0, chủ yếu do nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định... Giai đoạn giá vàng “nhảy múa”, chênh lệch giá vàng tăng mạnh gần đây chủ yếu do các kênh đầu tư đều trầm lắng, lãi suất thấp khiến người dân lại tìm đến vàng như một kênh phòng thủ sau thời gian dài “ngó lơ”… Từ phân tích chênh lệch giá vàng các giai đoạn, nhóm nghiên cứu cho rằng, chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu. Do đó, việc “trị” chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.
Trong tình hình này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho rằng, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối, mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Chung quan điểm, ông Shaokai Fan cho rằng việc yêu cầu hóa đơn điện tử là rất cần thiết nhằm minh bạch thị trường vàng, ngăn chặn rửa tiền. Quy định này đã được các nước tiến hành từ lâu.
Người dân không nên “chạy theo” giá vàng
Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn còn, song các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trên sẽ dần phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, trong những ngày qua, dù giá vàng có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng nhưng tâm lý thị trường ổn định, tình trạng xếp hàng mua vàng không còn diễn ra.
Chia sẻ tại Lễ công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này. Ngoài ra, NHNN tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững.
NHNN cũng sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) nhất trí về việc Nghị định 24 cần xem xét sửa đổi vì đã hết giá trị lịch sử. Đối với người dân, theo đại biểu, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể khiến một bộ phận giao dịch kinh tế quay lại tình trạng vàng hóa như trước đây. “Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hóa” - đại biểu Phạm Đức Ấn lưu ý.
Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam mà tình trạng cơn sốt vàng đã lan khắp thế giới. Theo ông Shaokai Fan, cầu vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu tăng 17% trung bình 5 năm qua, riêng tại Trung Quốc tăng 68%, Ấn Độ tăng 19%, Mỹ tăng 44%... Nguyên nhân giá vàng tăng là nhà đầu tư không chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế, lo ngại về động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… Bất ổn kinh tế, chính trị thế giới cộng với lãi suất thấp là môi trường lý tưởng để tạo bong bóng tài sản, gây nên sóng vàng trên toàn cầu.
Để người dân không chạy theo vàng, theo một chuyên gia ngân hàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lại đổ xô đầu tư đất, vàng. Còn nếu họ thấy tiền đồng được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng. Hay nói cách khác, nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.
Nguyễn Vũ