Xăng dầu đủ dự trữ sang tháng 3
Báo cáo về tình hình cung ứng xăng dầu của Bộ Công Thương ngày 22/2 khẳng định, nguồn cung ứng xăng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3/2022.
Hiện nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang chạy ở mức 55-60% công suất, dự kiến trong tháng 3, nhà máy này sẽ cung cấp khoảng hơn 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3). Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất. “Tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt trong tháng 5, chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất... Đây là vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian tới”- đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Song, với quan điểm là không để thiếu xăng, đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, các thương nhân đầu mối sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đảm bảo lượng cung ứng như kế hoạch.
Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2/2022 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu.; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu trong tháng 2/2022 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu. Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng này khoảng 90.000 m3 dầu. Công ty Xuyên Việt Oil nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 60.000 m3 dầu. Công ty Nam Sông Hậu nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 7.500 m3 dầu. Công ty Long Hưng nhập khẩu 10.000 m3 xăng và 10.500 m3 dầu; Thiên Minh Đức nhập khẩu 20.000 m3 dầu; Dương Đông nhập khẩu 13.000 m3 xăng và 20.000 m3 dầu... để cung ứng cho thị trưởng theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.
Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Hóa dầu quân đội, các công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh, Thiên Minh Đức, Dương Đông, Nam Phúc, Hồng Đức... (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục.
Thời gian gần đây, một số cửa hàng xăng dầu phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cả Mau, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh) có hiện tượng bán ít hàng với lý do thiếu nguồn cung.
Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công Thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ sẽ tiến hành thanh tra 33/36 doanh nghiệp đầu mối, nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm 2021 đến nay.
“Với tình hình cung ứng như vậy, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản sẽ ổn định” - đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.
Nếu giá tăng cao, cần sử dụng thuế phí để bình ổn giá xăng dầu
Thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
“Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân. Ở vấn đề xăng dầu chúng ta chưa dùng nguồn lực nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế, phí khác”- đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch bán đấu giá mặt hàng Xăng Ron 92 dự trữ quốc gia để mua Xăng Ron 95 đưa vào dự trữ quốc gia. Việc xuất bán này nhằm đổi chủng loại xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia, không liên quan đến việc khan hiếm nguồn cung như một số cơ quan truyền thông đã đề cập gần đây. |