Ngành Công Thương: Tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS Nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: Còn nhiều thách thức |
Việc lựa chọn chủ đề này cho thấy công tác phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng và cần có cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của người dân về HIV/AIDS.
Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 |
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đề ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Ngày 6/7/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, đây cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Tính đến tháng 9/2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV; 100% số tỉnh/thành phố, 100% số quận/huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.
Cũng tính đến tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).
Số liệu giám sát cũng cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 - 29 tuổi (chiếm 41,7%), đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16 - 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Ths. Võ Hải Sơn - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho biết: Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, HIV/AIDS có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM, bởi quần thể này ẩn và khó tiếp cận.
Vì vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Cùng chung tay thực hiện kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 8026/BCT-HC về việc triển khai Tháng hành động này.
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền công tác phòng chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật và quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS, trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định số 63/2021/NÐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản hướng dẫn thi hành. bằng thuốc methadon.
Bên cạnh đó, tư vấn và xét nghiệm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); lợi ích sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị...
Tổ chức hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại cổng cơ quan, đơn vị, trường học với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.
Triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội, tuyên truyền công tác phòng chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Trên các trang Website, trang thông tin điện tử của đơn vị để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Xây dựng, phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua phương tiện và tài liệu truyền thông khác, phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách về phòng, chống HIV/AIDS…
Thanh Tâm