Bộ Tài chính muốn thành lập Thanh tra Tổng cục Thuế

04/01/2024 - 23:51
(Bankviet.com) Bộ Tài chính muốn chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế.

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế sang mô hình Thanh tra Tổng cục Thuế, đảm bảo không làm tăng số lượng đầu mối và biên chế của Tổng cục Thuế.

Bộ Tài chính muốn thành lập Thanh tra Tổng cục Thuế
Hình minh họa.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.”, tại Điều 15 dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó quy định cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm Thanh tra Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế sang mô hình Thanh tra Tổng cục, đảm bảo không làm tăng số lượng đầu mối và biên chế của Tổng cục Thuế.

Về vị trí, chức năng, Thanh tra Tổng cục Thuế là tổ chức thuộc Tổng cục Thuế, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục thuế chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Tài chính.

Thanh tra Tổng cục Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật.

Về tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục Thuế gồm 07 phòng gồm: (1) Phòng Tổng hợp; (2) Phòng Thanh tra - Kiểm tra giá chuyển nhượng; (3) Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 01; (4) Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 02; (5) Phòng Xử lý sau thanh tra; (6) Phòng Thanh tra - Kiểm tra giải quyết tố cáo và Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Phòng giải quyết khiếu nại và giám sát thanh tra, kiểm tra.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm về mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn đang diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng; cùng với đó là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra ngày càng tinh vi, với số thuế chiếm đoạt từ ngân sách nhà nước rất lớn, điển hình như: vụ việc mua bán hóa đơn xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tỉnh Quảng Ninh, vụ việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Thủ Đức House...

Cùng với việc thủ tục hành chính về thuế ngày càng trở nên đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các đối tượng đã lợi dụng những lỗ hổng về chính sách, về quy trình quản lý để thực hiện các hành vi vi phạm hết sức tinh vi, trong thời gian rất ngắn.

"Theo đó, yêu cầu đặt ra là cơ quan thuế phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong môi trường điện tử và hệ thống thông tin được sử dụng rộng rãi như hiện nay", Bộ Tài chính lập luận.

Bộ Tài chính cho biết, mô hình tổ chức của Cục Thanh tra - Kiểm tra chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra hiện nay

Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Thuế được quy định là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bộ máy của Tổng cục Thuế có Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế.

Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15; theo đó, tại Điều 18 quy định một trong những trường hợp thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như sau: “c) Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ”.

Tổng cục Thuế đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành lập Tổng cục và tương đương quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ, trong đó có tiêu chí: “có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo đó, mô hình của Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thuộc Tổng cục Thuế quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg không còn phù hợp với quy định tại Luật Thanh tra nêu trên và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 07/2012/NĐ-CP đang trình Chính phủ hiện nay (trong đó có quy định về mô hình Thanh tra Tổng cục Thuế).

Đồng thời, Khoản 1 Điều 18 Luật Thanh tra quy định chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ: “Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật”. Theo đó, nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được giao cho Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng thuộc Tổng cục Thuế không còn phù hợp với quy định nêu trên của Luật Thanh tra.

Chính sách kinh tế được dư luận quan tâm có hiệu lực từ tháng 1/2024

Một số hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng 2% chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024; từ ngày 15/1, Việt ...

Dược phẩm OPC bị phạt và truy thu thuế hàng tỷ đồng

Tổng Cục thuế vừa có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC).

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán