Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không ai không muốn thoát nghèo

31/10/2023 - 02:12
(Bankviet.com) Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng “dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ".
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 29 địa phương vẫn chưa giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động "Tôi đã mời chuyên gia nước ngoài "tính kế" khắc phục rút bảo hiểm xã hội một lần" Lãnh đạo Bộ, ngành làm rõ tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội

Chiều 30/10, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã đánh giá khách quan, toàn diện quá trình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình giám sát đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp các ngành.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn.

Thời gian vừa qua, bên cạnh những quyết tâm, việc triển khai Chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nguyên nhân khách quan tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai chương trình.

“Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị đặc biệt là các địa phương, sự vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung.

Trong đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng khẳng định “không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo”.

“Thời gian qua, có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác và mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo, đây là điều cần được biểu dương” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng chia sẻ.

Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo.

Về hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, theo tinh thần Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát khó khăn của hộ nghèo ở 74 huyện nghèo.

Qua thực tiễn triển khai, Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt.

Tuy nhiên, Chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn hơn, nhưng cả 3 chương trình này đang phải ban hành quá nhiều văn bản, dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật.

Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng “dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ”. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều, cùng với đó việc giao vốn chậm, nhỏ giọt…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù, nhưng trước mắt trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau, trong đó mỗi tỉnh chọn 1, 2 huyện làm thí điểm.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương