Bộ Y tế thừa nhận thủ tục chuyển tuyến còn tiêu cực, phiền hà cho người dân

07/12/2023 - 05:11
(Bankviet.com) Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, giấy chuyển tuyến gây nhiều phiền hà cho người bệnh, thậm chí có tình trạng xin cho, gây bức xúc.
Bỏ giấy chuyển tuyến, nâng cao chất lượng y tế cơ sở để “giữ chân” người bệnh Nguy cơ hệ thống y tế bị phá vỡ khi bỏ giấy chuyển tuyến

Chiều muộn ngày 6/12, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Y tế về việc người dân phàn nàn trong thủ tục xin giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện.

Bộ Y tế thừa nhận thủ tục chuyển tuyến còn tiêu cực, phiền hà cho người dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 15 năm ban hành Luật bảo hiểm y tế, bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đã đạt gần 91 triệu người với khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm cũng đã gia tăng với 150,5 triệu lượt trong năm 2022. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được mở rộng.

"Mỗi năm, Quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng hơn 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện", theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương.

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được những kết quả này là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh. Quy định này nhằm góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh. Dù vậy, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính.

"Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiên hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc", bà Hương nói.

Từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ 1/1/2021 áp dụng thông tuyến tỉnh trên toàn quốc cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.

Theo bà Hương, các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.

Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. "Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình; nâng cao chất lượng y tế cơ sở", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương