Bóng đèn Điện Quang cứ tối dần...
Từng là cái tên nổi bật trong ngành điện–chiếu sáng, Tập đoàn Điện Quang giờ đây đang bị đặt dấu hỏi lớn về khả năng phục hồi sau 2 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu cũng vừa rơi về dưới mệnh giá.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa ban hành loạt quyết định liên quan đến tình trạng chứng khoán của cổ phiếu DQC thuộc Công ty CP Tập đoàn Điện Quang.

Cụ thể, theo quyết định số 210/QĐ-SGDHCM ngày 10/4/2025, cổ phiếu DQC sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/4/2025.
Nguyên nhân là do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán; LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2024 là số âm.
Không chỉ dừng ở mức cảnh báo, theo Quyết định số 212/QĐ-SGDHCM cùng ngày, cổ phiếu DQC còn bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 17/4/2025 do công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023.
Trước đó, HOSE đã nhắc nhở Điện Quang do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Nếu công ty tiếp tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, không khắc phục trong thời gian tới, cổ phiếu có thể bị đình chỉ giao dịch.
Được biết, DQC từng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bóng đèn truyền thống với thị phần chiếm khoảng 60%, gắn liền với khẩu hiệu "Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang".
Tuy nhiên, khi thị trường dịch chuyển sang đèn LED, công ty đối diện nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi. Dù đã mở rộng sang lĩnh vực chiếu sáng thông minh từ năm 2022, nhưng các chỉ số kinh doanh vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện.
Không chỉ chịu áp lực từ sự thay đổi công nghệ, DQC còn bị ảnh hưởng từ sự đóng băng của thị trường bất động sản trong năm 2023, khiến sức tiêu thụ sản phẩm chậm lại, hàng tồn kho gia tăng và công nợ kéo dài.
Bằng chứng là sang đến năm 2024, DQC tiếp tục ghi nhận lỗ ròng gần 103 tỷ đồng. Đây cũng là mức thua lỗ cao nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Điện Quang.
DQC cho biết nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng hàng tồn kho, nợ khó đòi và đầu tư tài chính, dù không công bố chi tiết.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản DQC giảm nhẹ còn 1.334 tỷ đồng. Dự phòng phải thu khó đòi tăng mạnh từ 11 lên 115 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh rõ. Việc thua lỗ cùng chi trả cổ tức khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DQC âm gần 70 tỷ đồng.
Trên thị trường, sau khi công bố thông tin về cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát, DQC ghi nhận đà giảm hơn 0,74% trong phiên ngày 11/4, chốt phiên ở mức 9.390 đồng/cp. Còn tính từ đầu năm 2025, thị giá cổ phiếu DQC đã giảm tới hơn 25%.